Đời sống

Bức thư 'phong ấn' bằng bê tông ở thủy điện Hòa Bình: Viết trên giấy Liên Xô, năm 2100 mới được mở

Nếu ai có dịp đến thăm quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ thấy ngay trước nhà truyền thống ở đây đặt một khối bê tông hình kim tự tháp cỡ nhỏ, được rào chắn xung quanh cẩn thận. Mặt trước của khối bê tông này có tấm biển kim loại màu vàng hình vuông với họa tiết trang sách bên trong, in đậm dòng chữ "Nơi đây lưu giữ bức thư của những người xây dựng thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau - thư này sẽ được mở vào ngày 1/1/2100" bằng tiếng Việt và tiếng Nga. 

Khối bê tông trước của nhà truyền thống của Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Được biết, vào ngày 30/1/1983, ngay tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã tổ chức lễ đặt "bức thư gửi thế hệ mai sau" với sự tham gia hàng nghìn người là cán bộ, công nhân xây dựng nhà máy cùng 250 đại biểu thanh niên Liên Xô sang thăm Việt Nam. Tổng chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình là ông Ngô Xuân Lộc khi đó là người đọc thư bằng tiếng Việt và Bí thư đảng ủy Đoàn chuyên gia Liên Xô khi đó - đồng chí Giaseplin - là người đọc thư bằng tiếng Nga.

Mặt trước của khối bê tông

Hai bức thư sau đó được cuộn cho vào thỏi đồng khoan rỗng, đậy nắp lại rồi bỏ vào lòng khối bê tông. Ông Bogachenko - Tổng chuyên viên Liên Xô trên công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình, ông Vũ Mão - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Ngô Xuân Lộc - Tổng chỉ huy xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình và bà Xavitxkaia - nữ phi hành gia vũ trụ thứ 2 của thế giới, thành viên của Đoàn TNCS Liên Xô sang thăm Việt Nam là 4 người dùng tua vít bắt ốc cố định tấm biển trên khối xi măng. 4 người đặc biệt này là đại điện cho các tiêu chí già, trẻ, nam, nữ, trên trời, dưới đất. 

Người đề xuất viết bức thư này là ông Bogachenko - Tổng chuyên viên Liên Xô khi đó vì ông cho biết Liên Xô và các nước trên thế giới thường viết một bức thư và bỏ vào một chiếc chai hoặc lọ thủy tinh đậy kín rồi chôn vào thân đập khi xây đập thủy điện. Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Mười góp ý rằng ở Việt Nam không có tục lệ này, cho nên không được "chôn" vào lòng đập mà nên được tiến hành trang trọng, khối bê tông giữ bức thư cũng được lên ý tưởng từ đó. 

Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Về nội dung của bức thư này thì đến nay vẫn là một bí ẩn. Chỉ biết là ban tổ chức đã tập hợp những nội dung hay nhất, độc đáo nhất trong những bức thư gửi về tổng công ty thời điểm đó để tạo nên bức thư chung, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông qua. Một cán bộ viết chữ đẹp được giao nhiệm vụ chép lại bức thư thành 2 bản tiếng Việt và tiếng Nga bằng mực Tàu, giấy được sử dụng là loại có chất liệu đặc biệt gửi từ Liên Xô sang.

Về lý do phải đến năm 2100 mới được mở bức thư, nguyên Trưởng ban phiên dịch tiếng Liên Xô Đỗ Xuân Duy từng lý giải rằng: "Nếu chọn đúng 100 năm sau mở thư thì rất có thể nhiều người sinh năm này vẫn còn sống, nên phải chọn đến năm 2100, bởi khó ai có thể sống đến 117 tuổi được".

 

Quy đổi chi phí Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành ra tiền hiện đại: Con số lớn không tưởng!

Công trình kiến trúc dài nhất trong lịch sử loài người được Tần Thủy Hoàng xây dựng lên bằng mồ hôi, xương máu của vô số nô lệ cùng biết bao 'núi vàng núi bạc'.