Đời sống

Vị Thứ trưởng được đích thân Bác Hồ và TBT Trường Chinh 'mai mối', lai lịch vợ không hề tầm thường

Được hai người đứng đầu đất nước mai mối, vợ của vị Thứ trưởng này còn vinh dự được Bác Hồ đặt tên cho. 

Trong kháng chiến toàn quốc (19/12/1946), việc tiếp tế hậu cần và giao thông liên lạc giữa các cơ quan Chính phủ, Quốc hội với Trung ương Đảng trở nên khó khăn hơn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung Ương đã rời Hà Nội lên khu vực An toàn khu Việt Bắc. Bởi, ở khu vực này nếu muốn giao thông liên lạc hay tiếp tế phải đi qua con sông Phó Đáy sâu, mỗi khi trời mưa lũ nước chảy rất xiết. Do đó, kế hoạch xây một cây cầu bắc qua sông đã được hình hình thành.

Kỹ sư Lê Dung vào năm 1948 đã thiết kế và chỉ đạo khẩn trương thi công một cây cầu treo bắc qua sông Phó Đáy. Trong điều kiện thiết bị, vật tư hết sức khó khăn, Trưởng ty Giao thông công chính tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Khắc Tự khi đó vẫn hoàn thành cây cầu một cách nhanh chóng, đảm bảo cho Bác và các cán bộ Trung ương trong An toàn khu Sơn Dương, Định Hóa, Đại Từ có thể thuận lợi qua lại chỉ đạo cuộc kháng chiến. Cây cầu này sau đó đã được gọi là cầu treo Lê Dung - lấy tên của vị Thứ trưởng đã thiết kế ra nó.

Cầu treo Lê Dung trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu: Lê Thông

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Dung quê ở xã Minh Khai, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh trưởng trong một gia đình trí thức. Ông từ sớm đã bộc lộ lòng yêu nước mãnh liệt, tham gia phong trào Cứu tế đỏ ở Quy Nhơn khi mới ngoài 20. Có tấm bằng kỹ sư cầu đường của Pháp, ông thuận lợi tham gia hoạt động giải phóng dân tộc dưới lớp vỏ bọc công chức. Ông hoạt động tích cực tại Mặt trận Việt Minh TP. Đà Nẵng và Ủy ban Khởi nghĩa TP. Đà Nẵng, nhiều lần giúp đỡ các đồng chí của mình hoàn thành nhiệm vụ. 

Với những đóng góp to lớn, người kỹ sư yêu nước đã được người dân địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi. Năm 1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội đầu tiên của TP. Đà Nẵng và Bí thư Ủy ban Hành chính Trung Bộ kiêm phụ trách Ngoại giao. Rồi đến tháng 7/1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng Chính phủ kháng chiến trên Chiến khu Việt Bắc, ông mời giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ Giao thông vận tải). 

Năm 1949, tại An toàn khu Việt Bắc, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh đã đích thân đứng ra mai mối Thứ trưởng Lê Dung với cô gái tên Lê Thị Lịch. Bà Lịch vốn có bí danh Liên, là Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, giữ vai trò chỉ đạo người dân Phúc Yên khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Trong một lần được gặp Bác, cô Bí thư Phúc Yên đã vinh dự được Bác đặt tên cho vì lo rằng bí danh Liên của bà dùng từ lâu dễ bị lộ. "Ở đây có hai chị em, chị tên là Lê Thị Thanh (sau này là cán bộ ở Văn phòng Trung ương Đảng) rồi, em tên là Lịch, Thanh - Lịch mà", Bác nói. Không chỉ có tên mới, bà Lịch còn được Bác thưởng cho bà tấm khăn dù mà chiến sĩ đã thêu biếu Bác vì đã làm việc tốt.

Sau này, khi bà Lịch và ông Dung đã kết hôn, Bác Hồ mỗi lần nghe tin bà sinh con ở chiến khu đều quan tâm gửi cho bà chai mật ong rừng và hai mét lụa. Mối duyên lành mà Bác và cố TBT Trường Chinh "se" đã "đơm hoa kết trái" khi vợ chồng ông Lê Dung và bà Lê Thị Lịch sinh được 5 người con, một trong số đó là võ sư Lê Công - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karatedo Việt Nam. Cả hai sống hạnh phúc bên nhau đến khi qua đời. 

Nguồn bài viết: Tạp chí Giao thông vận tải - Tác giả: Kiều Mai Sơn