Vị luật sư duy nhất từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai làm rể Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vị luật sư tài giỏi này là người nắm giữ nhiều chức Bộ trưởng nhất trong lịch sử nước ta, con cái ông cũng thuộc tầng lớp tinh anh của đất nước.
Luật sư Phan Anh (1/3/1912 - 28/6/1990) là một trong những chính trị gia nổi bật nhất thế kỉ 20. Ông là người làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lớn lên trong gia đình tri thức khi có cha là nhà nho Phan Điện, chú ruột là luật sư Phan Mỹ - người sau này đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng. Dù mồ côi mẹ khi mới lên 10, phải theo cha lưu lạc khắp nơi nhưng ông và các em của mình đều học giỏi nhờ sự dạy dỗ của cha.
Năm 1926, ông Phan Anh giành được suất học bổng nội trú của Trường Bưởi, Hà Nội và tốt nghiệp Tú tài. Sau đó ông tiếp tục theo học ngành Luật ở Trường Đại học Đông Dương và trở thành Chủ tịch Tổng hội Sinh viên vào Đảng Xã hội Pháp. Với thành tích xuất sắc, ông vừa học vừa tham gia giảng dạy ở trường Gia Long và trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật ở vị trí thứ 2 vào năm 1937, ông tiếp tục sang Pháp để trình luận án Tiến sĩ Luật vào năm 1938. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai khiến cho ông phải về nước năm 1940, không kịp bảo vệ luận án. Từ đây ông bắt đầu trở thành luật sư, hành nghề tại văn phòng của luật sư Bùi Tường Chiểu.
Luật sư Phan Anh chính là 1 trong 3 người lập ra báo Thanh Nghị (1941-1945) và trở thành 1 trong 5 cây bút trụ cột của tờ báo này. Trong giai đoạn Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9/3/1945), ông là một trong những trí thức được vua Bảo Đại mời vào Huế để tham khảo ý kiến về việc Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam và thành lập nội các mới.
Các chức vị quan trọng ông từng nắm giữ có thể kể đến: Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim; Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam (Trưởng đoàn là Phạm Văn Đồng) đi dự hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp; Phái viên phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Genève (Tháng 7/1954);... Đặc biệt, ông là người giữ nhiều chức vụ Bộ trưởng nhất trong lịch sử như Bộ trưởng Bộ Công thương (từ tháng 5/1951 đổi tên Bộ Kinh tế là Bộ Công thương), Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (9/1955 - 4/1958), Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (1958 - 1976) trong Chính phủ Việt Nam,... Đáng chú ý, ông là người duy nhất không làm tướng nhưng được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và hoàn thành tốt vai trò của mình cho đến khi bàn giao lại chức vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 10/1946.
Về đời tư, luật sư Phan Anh trải qua 2 đời vợ. Người vợ đầu tiên là Tiến sĩ Dược khoa, Dược sĩ hạng nhất ở Paris Đỗ Thị Thao. Cả hai có với nhau 3 con trai là Phan Trúc Long, Phan Trí Vân và Phan Tân Hội. Trong đó, nhà vật lý lý thuyết Phan Trúc Long sau này cưới bà Võ Hồng Anh - con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu - Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Người vợ thứ hai của luật sư Phan Anh là cháu ruột của bà Đỗ Thị Thao - bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh. Ông với người vợ 2 cũng có với nhau 3 người con là Phan Tú Tùng, Phan Triều Dương, Phan Thiên Thạch.
Luật sư Phan Anh qua đời vào năm 1990 tại Hà Nội. Ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên ông để đặt cho một con đường tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.