Đời sống

Nữ Tiến sĩ là Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam: Làm tình báo, ông tổ lưu tên trong văn bia Quốc Tử Giám

Nữ Tiến sĩ là Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam: Làm tình báo, ông tổ lưu tên trong văn bia Quốc Tử Giám

Cuộc đời Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đầy thăng trầm nhưng cuối cùng, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn ấy cũng đã có được hạnh phúc viên mãn. 

Bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 là người con gái sở hữu dung mạo cực kì xinh đẹp, xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Được biết trong dòng họ của bà Nghĩa có ông tổ là Ông Nghĩa Đạt từng đỗ Bảng nhãn, làm Phó Đô Ngự sử thời vua Lê Thánh Tông. Vua Tự Đức sau này đã đổi họ "Ông" của ông thành họ "Công". Ngày nay văn bia có tên Ông Nghĩa Đạt vẫn được lưu giữ trong Quốc Tử Giám.

Nhan sắc xinh đẹp của bà Công Thị Nghĩa hồi trẻ 

Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tìm người đẹp tại Sài Gòn. Vì nước ta chưa từng có cuộc thi mang tên hoa hậu trước đó nên đây có thể xem đây là cuộc thi hoa hậu đầu tiên. Cuộc thi được tổ chức tại rạp Lido Chợ Lớn bởi Bộ Xã hội, các thí sinh tham gia phần lớn đều đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Bà Nghĩa khi đó đang làm báo với bút danh Thu Trang, trong một lần được tòa soạn cử đi lấy tin về cuộc thi hoa hậu 1955 đã có vài người quen biết trong ban tổ chức khuyên đi thi hoa hậu. Bà sau đó ghi danh tham gia và đăng quang ngôi vị cao nhất, được thưởng 1 chiếc xe máy hiệu Lamberta, 1 chiếc kiềng 1 lượng vàng, 3 nghìn đồng (tương đương với 10 lượng vàng) và một vé máy bay đi Mỹ.

Bà Nghĩa là Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam 

Tuy nhiên, cô Hoa hậu xinh đẹp lại không thể sang Mỹ vì bị chính quyền Ngô Đình Diệm phát giác chuyện từng là điệp báo của Việt Minh. Từ năm 18 tuổi, người con gái Công Thị Nghĩa đã là thành viên của tổ điệp báo hoạt động trong nội thành Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Nghĩa. Trước khi đăng quang ngôi Hoa hậu Sài Gòn 3 năm, bà từng bị Pháp bắt giam, tra tấn dã man. Trong phiên tòa xét xử, luật sư biện hộ cho bà là ông Nguyễn Hữu Thọ (sau này là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam năm 1981 - 1987). Bà Nguyễn Thị Châu Sa (Madame Bình) và ông Nguyễn Duy Liên cũng có mặt trong phiên tòa này. 

Trở thành nhà báo sau khi ra tù, bà Nghĩa không ngờ bản thân lại nổi tiếng nhờ đăng quang Hoa hậu. Bà từng tham gia vào bộ phim "Chúng tôi muốn sống" (đạo diễn Vĩnh Noãn), đảm nhiệm vai Kiều Nguyệt Nga trong phim "Lục Vân Tiên" (đạo diễn Tống Ngọc Hạp). Từng nhận được sự yêu mến đặc biệt của công chúng, cuộc đời bà như rơi xuống vực sâu khi có con với ông Tống Ngọc Hạp - vị đạo diễn đã có gia đình. 

Bà Nghĩa khi về già, chụp cùng nhà văn Trần Thị Hảo tại Pháp

Năm 1959, vì được khuyến khích rời Sài Gòn để tránh bị tra xét nên bà đã quyết định sang Pháp theo đuổi con đường học vấn. Tại đây, bà trở thành sinh viên trường Cao học về lịch sử và triết học thuộc Đại học Sorbonne rồilấy bằng tiến sĩ sử học ở Đại học Paris VII vào năm 1978. 

Tại Pháp, bà yêu và lấy tiến sĩ Y học Marcel Gaspard. Bà cuối cùng đã có cuộc sống vô cùng viên mãn sau biết bao thăng trầm của cuộc đời. Giờ đây, nhắc đến cái tên Công Thị Nghĩa, người ta thường nhắc đến tiến sĩ Sử học thông thái, yêu nước hơn là danh hiệu người đẹp đình đám hay nữ tình báo một thời của Việt Nam.