Đời sống

Liệt sĩ nằm lại Trường Sơn có quân hàm cao nhất: Vị Chính ủy tài giỏi, được nhiều tướng, tá kính nể

Liệt sĩ nằm lại Trường Sơn có quân hàm cao nhất: Vị Chính ủy tài giỏi, được nhiều tướng, tá kính nể

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ông nằm xuống chiến trường Trường Sơn, những người đồng đội, cấp dưới nay là tướng tá vẫn không ngừng thương nhớ và thể hiện lòng kính trọng với ông.

Liệt sĩ Đặng Tính (1920 - 1973) tên thật là Đặng Văn Ti, quê ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Ông tham gia cách mạng từ năm 1944, trở thành thành viên của tổ chức thanh niên cứu quốc khi mới 24 tuổi. Năm 1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Chân dung Đại tá Đặng Tính 

Ông chính là một trong những người sáng lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đồng thời tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Giang. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo và chỉ huy như: Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương (1948-1950); Chính uỷ Mặt trận đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng (1950-1951); Chính uỷ Liên khu III; Tư lệnh kiêm Phó Bí thư khu Tả Ngạn Sông Hồng (1951 -1953); Phó Cục trưởng Cục Dân quân (1953 - 1954); Phụ trách Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu; Cục trưởng Cục Không quân (tiền thân Bộ Tư lệnh Không quân) (1955 - 1962); Chính uỷ Đoàn 559 (1971 - 1973). Ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội vào năm 1958, từng là Đại biểu Quốc hội các khoá III, IV.

dangtinh4
Đồng chí Đặng Tính (bên trái) và đồng chí Hoàng Văn Thái tại Sở chỉ huy Đoàn 471-Bộ tư lệnh Trường Sơn (năm 1973). Ảnh do Thiếu tướng Võ Sở cung cấp
dangtinh3
Đại tá Đặng Tính giữa cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Đồng Sỹ Nguyên trong chuyến thăm bộ đội Trường Sơn của Đại Tướng. Ảnh Tư liệu 

Vào tháng 4/1973, trước khi ra Bắc nhận công tác mới, Đại tá Đặng Tính đã đảm nhiệm trọng trách kiểm tra và giao nhiệm vụ cho các Sư đoàn đang làm nhiệm vụ tại khu vực hạ Lào. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đại tá đã góp công lớn khi chỉ huy hai chiến dịch vận tải lớn trên khắp các tuyến đường Đông Tây Trường Sơn và nước bạn, chỉ đạo bộ đội tên lửa Phòng không đánh chặn máy bay địch, ngăn không cho chúng ném bom xuống các khu vực trọng điểm để đảm bảo an toàn cao nhất cho bộ đội và các đoàn xe chở hàng tiếp vận cho chiến trường miền Nam. Đại tá cũng chính là người chỉ huy phối kết hợp chỉ huy đánh giặc giải phóng một số nơi dọc tuyến đường 9 trên Lào.

Đồng chí Đặng Tính (thứ ba, hàng đầu, từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm với Bộ tư lệnh PK-KQ và gia đình trước khi vào Trường Sơn. Ảnh: Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn

Đại tá Đặng Tính được nhận xét là con người tài giỏi, giản dị, luôn trung thành, tận tụy, hết lòng phục vụ cách mạng, dũng cảm, gương mẫu trong chiến đấu, đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội. Đáng tiếc là vào ngày 4/4/1973 tại cao nguyên Bolaven (Lào), chiếc xe mà Đại tá ngồi bị trúng mìn chống tăng khiến ông và 5 đồng chí ngồi cùng xe hy sinh tại chỗ. Sự ra đi của Đại tá là một tổn thất to lớn đối với Bộ đội Trường Sơn, Bộ đội PK-KQ và của Quân đội ta. Trong lá thư ngày 11/5/1998 mà Đại tướng Văn Tiến Dũng gửi Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn nhân lễ tưởng niệm 25 năm Ngày Chính ủy Đặng Tính hi sinh có đoạn Đại tướng nhận xét về Đại tá Đặng Tính như sau: "Đồng chí Đặng Tính như một 'con dao pha', từ Tư lệnh Khu Tả ngạn chuyển lên Cục Dân quân, từ Cục Dân quân chuyển sang Cục Tác chiến rồi sau đó lại phụ trách một công việc hoàn toàn mới mẻ là xây dựng không quân non trẻ của Quân đội ta… Trong các lĩnh vực, 'con dao pha' ấy đều tỏ ra sắc bén".

Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực chính trị, quân sự ngoại giao, Đại tá Đặng Tính đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều Huân Huy chương cao quý khác. Năm 2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.