Đường Tăng 2 lần nói dối: Một lần là với Tôn Ngộ Không, một lần là với người phụ nữ đặc biệt
Dù là người xuất gia nhưng Đường Tăng trong hành trình đi Tây Trúc đã hai lần 'phạm giới' vì nói dối.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng là nhân vật tượng trưng cho thể xác, tình cảm con người. Tiền kiếp của ông là Kim Thiền Tử, đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai, nhưng giáng trần thành người phàm, một lòng tu đạo. Giống như thể xác và tình cảm của con người, Đường Tăng yếu đuối, nhu nhược, u mê, dễ bị sợ hãi, lo lắng và tên yêu quái nào cũng có thể lừa phỉnh, che mắt. Đặc biệt, nhân vật này có tính cách nổi trội nhất chính là vô cùng thật thà.
Dù vậy, Đường Tăng cũng có lúc phải "phạm giới" vì nói dối. Trong suốt hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, ông đã 2 lần không thành thực. Lần đầu tiên là với Tôn Ngộ Không, vì đại đồ đệ quá ương bướng, bất trị nên Đường Tăng đã phải nói dối để lừa hắn đeo vòng kim cô - món pháp khí được Quan Âm Bồ Tát ban cho - để dễ bề quản lý đồ đệ. Lời nói dối này không gây hại cho ai, cũng rất hợp lý trong hoàn cảnh khi đó nên không thể trách Đường Tăng được.
Lần thứ hai Đường Tăng nói dối là với Nữ vương của Tây Lương quốc (Nữ Nhi quốc). Nữ vương quá cảm mến "ngự đệ" nên năm lần bảy lượt níu giữ nhưng không thành. Cuối cùng, khi cùng với văn võ bá quan tiễn đưa "người trong mộng", Nữ vương có hỏi Đường Tăng rằng: "Ngự đệ ca ca, nếu có kiếp sau, cưới ta được không?". Đường Tăng không ngần ngại mà đáp lại rằng: "Được!"
Thực tế đây chỉ là một lời nói dối. Đường Tăng cả đời chỉ theo đuổi con đường Phật pháp, khi tu thành chính quả hóa Phật thì làm gì có kiếp sau. Kể cả trong nguyên tác, Đường Tăng cũng được miêu tả là không có tình cảm nam nữ với Nữ vương. Sở dĩ ông phải nói dối là để có thể dễ dàng rời đi, tiếp tục hành trình thỉnh kinh của mình.