Đặc công nước được mệnh danh là 'Yết Kiêu' trên chiến trường B, Mỹ cay cú treo thưởng 100.000 USD để lấy đầu
Năng lực và chiến công của người đặc công nước này được ví với anh hùng thời Trần là Yết Kiêu - người có biệt tài thủy chiến vang danh sử Việt.
Đại tá Phạm Xuân Sanh (84 tuổi, trú ở đường Trưng Nữ Vương, TP.Đà Nẵng) tốt nghiệp khóa huấn luyện đặc công hải quân vào tháng 10/1966. Trong giai đoạn 1967 - 1975 giữ vai trò đội trưởng đội đặc công nước 170 - lực lượng có nhiệm vụ đánh sập các cầu, cống chiến lược trên đường 1A, đường tỉnh chiến lược từ Huế vào Tam Kỳ, ngăn chặn địch vận chuyển người, vũ khí, lương thực chi viện cho các chiến dịch đánh phá ta, phá hủy các kho tàng, bến cảng ven sông, tiêu diệt các sĩ quan cấp cao của Mỹ.
Chỉ tính riêng giai đoạn 1966 - 1970, đội 170 do ông Phạm Xuân Sanh chỉ huy đã 5 lần đánh sập cầu, nổi bật trong đó là chiến công nhiều lần đánh sập cầu Giao Thủy nối huyện Đại Lộc qua miền tây Duy Xuyên, nơi có 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng quân. Điều này khiến phía Mỹ vô cùng cay cú, chúng tuyên bố sẽ thưởng 100.000 USD cho người bắt hoặc giết chết Quách Sanh (biệt danh của ông Sanh).
Phản ứng nóng nảy của Mỹ không khiến ông Sanh run sợ mà thậm chí còn táo bạo hơn. Ông quyết định chỉ đạo đội 170 của mình đánh một trận bất ngờ trong lúc địch đang xây mới cầu Giao Thủy đúng vào rạng sáng (5-7 giờ) ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1972. 2 chiến sĩ Hồ Phi Thiện và Giang Hồng Mão lập thành tổ chiến đấu, mang theo 60 kg thuốc nổ C4 tiếp cận và cho nổ thành công cầu Giao Thủy, cảnh tượng trụ cầu gãy và thợ cầu, máy móc rơi xuống sông khiến cho quân dân ta vô cùng hả hê.
Ông Sanh sau này dù tuổi cao vẫn không quên được ngày oanh liệt đó. Ông kể: "Lúc này, nông dân trên cánh đồng Quảng Huế phía Đại Lộc và nhiều bà con đi làm, đi chợ Mỹ Lược bên Duy Xuyên kéo ra xem và kháo nhau: Bọn địch cứ rêu rao Việt cộng chỉ là thổ phỉ trên núi đói khát, bệnh tật, gầy ốm đến nỗi 7 Việt cộng mà đu không gãy nổi một cọng đu đủ. Thế mà hàng trăm tên lính địch bị Việt cộng đánh nhăn răng, sợ mất mặt như gà sợ quạ". Ngoài cầu Giao Thủy, đội của ông Sanh còn đánh sập cầu Thủy Tú (trận đầu tiên), cầu Thanh Quýt (19/5/1972), thiêu hủy hàng chục triệu lít xăng và pháo hạm của địch,...
Trong thời bình, ông Sanh vẫn miệt mài cống hiến cho đất nước. Sau khi về hưu vào năm 1990, ông tham gia công tác tại địa phương với nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của phường. Đặc biệt, từ năm 1995, ông thành lập Trung tâm Huynh đệ bảo trợ trẻ em mồ côi Bình Hiên, hỗ tợ cho rất nhiều trẻ em mồ côi được đến trường, không ít người trong đó đã trở thành người tài, phụng sự cho đất nước.
Với những công lao to lớn, năm 2018, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang "Vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước"; Năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen "Vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2016-2019; Tại Đại hội thi đua yêu nước Đà Nẵng lần thứ 5, ông Sanh được Chủ tịch UBND TP tặng bằng khen "Vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước" giai đoạn 2015-2020.