Đời sống

Nguyên mẫu ‘chú bé Lượm’ trong bài thơ Tố Hữu có thật ngoài đời, hi sinh năm 14 tuổi, danh tính gây bất ngờ

Nguyên mẫu ‘chú bé Lượm’ trong bài thơ Tố Hữu có thật ngoài đời, hi sinh năm 14 tuổi, danh tính gây bất ngờ

Không chỉ là 1 nhân vật chỉ tồn tại trên văn, thơ, ‘chú bé Lượm’ của nhà thơ Tố Hữu có thật ngoài đời, là liệt sĩ, qua đời khi mới vừa tròn 14 tuổi. 

Chú bé Lượm là 1 nhân vật trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ Tố Hữu, viết về 1 chú liên lạc nhỏ tuổi trong kháng chiến chống Pháp. Lượm là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ kháng chiến với lòng yêu nước nồng nàn, sự dũng cảm và tinh thần lạc quan.

phan-tich-chan-dung-luom

Hình ảnh 'chú bé Lượm' trong bài thơ cùng tên của Tố Hữu. 

Khi sinh thời, nhà thơ Tố Hữu đã cho biết về mối liên hệ giữa nguyên mẫu Lượm ngoài đời và hình tượng nhân vật Lượm trong bài thơ cùng tên của ông. Theo đó, ‘chú bé Lượm’ chính là cháu của Tố Hữu ngoài đời, Lượm đi làm liên lạc cho đơn vị, khi đi qua 1 cánh đồng thì bị trúng đạn, hy sinh khi mới 14 tuổi. Khi ngã xuống, Lượm vẫn còn nguyên vẻ ngây thơ của chú thiếu niên. Hình ảnh chú bé liên lạc tên Lượm với tính cách hồn nhiên, vui tươi, vô cùng dũng cảm và lạc quan, yêu đời trong bài thơ “Lượm” vẫn đọng lại trong tâm trí độc giả cả nước nhiều thế hệ.

Ở ngoài đời cũng có 1 ‘chú bé Lượm’ tên thật là Nguyễn Thanh sinh ngày 21/12/1932, tên thường gọi ở nhà là Nguyễn Văn Lượm. Cha đẻ của liệt sĩ Lượm là ông Nguyễn Tuất sinh ngày 27/03/1909 tại Lai Trung, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Ông Tuất từng là hộ tống viên bưu điện, đã từng làm việc ở nhiều nơi như Bưu điện Quy Nhơn, Bưu điện Nha Trang, rồi chuyển đến Bưu điện Ninh Hòa, Bưu điện Phan Thiết. Từ năm 1927 đến năm 1943, ông làm việc tại Quy Nhơn và con trai Nguyễn Thanh được sinh ra ở đây. Năm 1943, ông chuyển vào làm việc tại Nha Trang nên đưa gia đình đi theo. Con trai của ông là Lượm cũng theo cha vào Nha Trang và tiếp tục học tại đây 2 năm.

1-1722130931451

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thanh tức Nguyễn Văn Lượm.

2-1722131023578

Giấy căn cước của liệt sĩ Nguyễn Thanh (Nguyễn Văn Lượm).

Cũng trong tờ khai của ông Tuất cho thấy rằng ‘chú bé Lượm’ xa gia đình từ năm 1945 – 1946, từ đó không có thông tin gì về con cả. “Năm 1945 đến 1946, con tôi (tức Nguyễn Văn Lượm - TG) hoạt động tại Nha Trang và thoát ly từ ngày ấy. Tôi không nhận được tin tức chi cả. Mãi đến ngày giải phóng về toàn diện thì em ruột tôi là Nguyễn Trọng Quảng cán bộ về hưu… mang bằng Tổ quốc ghi công ngày 5/5/1958 đề tên liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm về cho tôi”.

Tuy nhiên, tấm bằng Tổ quốc ghi công năm 1958 sau này bị hư hại, ông Tuất đã xin ‘Tờ nhận tự khai’ sao y bản chính và được UBND phường Phước Tiến, thị xã Nha Trang xác nhận về nội dung ông Nguyễn Tuất có người con đẻ là Nguyễn Thanh, tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm đã hy sinh, được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm - Đội viên du kích. Nguyên quán: Xã Quảng Ninh, Quảng Điền, Thừa Thiên, đã hy sinh cho Tổ quốc trong khi chiến đấu với địch tại Thừa Thiên ngày 15/4/1947. Như vậy, lúc hy sinh, “chú bé Lượm” mới 14 tuổi.

5-1722131040850

Bằng Tổ quốc ghi công sao y bản chính của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm.
 

Cũng theo gia đình của liệt sĩ Thanh, khi đối chiếu gia phả dòng họ Nguyễn tại Quảng Điền, Thừa Thiên Huế chứng thực liệt sĩ Nguyễn Thanh tức Nguyễn Văn Lượm có mối quan hệ họ hàng với nhà thơ Tố Hữu. Theo gia phả thì nhà thơ Tố Hữu - tức Nguyễn Kim Thành là bác họ của liệt sĩ Lượm và cũng là chú họ của tôi. Chú Tuất, bố em Lượm và nhà thơ Tố Hữu là anh em con chú con bác”, ông Xuân, anh họ của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm cho biết.

Ông Xuân chia sẻ thêm: ‘Ngày còn nhỏ tuổi, có lần tôi hỏi chú Tố Hữu về em Lượm thì chú nói rằng Lượm đi làm liên lạc từ nhỏ, hy sinh do bị Pháp bắn chết. Nhân vật Lượm trong bài thơ của chú Tố Hữu chính là em Lượm nhà tôi đấy”. Hiện tại nhà ông Xuân tại Huế cách nhà tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu không xa, đều thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền.