Sự thật về chiếc áo khoác da hổ đích thân Đường Tăng may và được Tôn Ngộ Không luôn khoác lên người
Chiếc áo khoác da hổ đặc biệt không chỉ thể hiện sự mạnh mẽ của người mặc mà còn hàm chứa tầng ý nghĩa sâu sắc bên trong.
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không không chỉ gắn liền với bảo bối gậy Như Ý mà còn luôn xuất hiện với trang phục có miếng da hổ ở trên. Rốt cuộc miếng da này có ý nghĩa ra sao đối với đại đồ đệ của Đường Tăng mà hắn lại mang theo trong suốt hành trình thỉnh kinh của mình?
500 năm sau khi bị giam cầm dưới Ngũ Hành Sơn, Tôn Ngộ Không đã gặp và được Đường Tăng giải cứu. Kiếp nạn đầu tiên mà hai thầy trò gặp phải là bị một con hổ dữ trong núi tấn công. Nghe tiếng kêu cứu của Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đã lập tức tương trợ. Hắn tuyên bố: "Bảo bối gậy Như Ý 500 năm nay chưa được dùng, mi chính là kẻ nạp mạng đầu tiên!". Sau khi hạ được con hổ này, phần da mà hắn lột ra đã được sư phụ thức đêm may thành một chiếc áo choàng vô cùng đẹp và ấm áp. Tôn Ngộ Không rất thích nên luôn diện chiếc áo này.
Áo choàng da hổ trên thực tế có nhiều tầng ý nghĩa hơn chúng ta vẫn tưởng. Nó không chỉ thể hiện sức mạnh của Tôn Ngộ Không, thỏa mãn danh xưng Tề Thiên Đại Thánh thần thông quảng đại mà còn là biểu tượng của một vị thần trong đạo giáo của người Ấn Độ. Cụ thể, có tài liệu miêu tả vị thần này có nhiều tay nhiều chân, giỏi sử dụng mọi loại vũ khí, tính cách rất hung bạo và trên hông luôn khoác một tấm da hổ.
Có ý kiến cho rằng Tôn Ngộ Không chính là hiện thân của vị thần bảo hộ này. Hắn cũng hội tụ đủ yếu tố đặc trưng như thông minh, tài giỏi nhưng nóng nảy và háo thắng. Có lẽ chính vì thế mà trong các tác phẩm về Tôn Ngộ Không sau này, trang phục của hắn luôn được miêu tả là gắn liền với chiếc áo khoác da hổ.