Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên là học trò của Bác Hồ, tên được đặt cho con đường nổi tiếng ở Hà Nội
Ông chính là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên và cũng là một trong những học trò ưu tú nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhắc đến những nhà báo nổi tiếng và có nhiều đóng góp nhất đối với báo chí Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà báo Xuân Thủy (1912 - 1985) - người học trò vô cùng ưu tú của Bác Hồ, cũng là chính khách, nhà ngoại giao xuất chúng của Việt Nam. Ông đã dùng ngòi bút sắc sảo của mình để cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc ta trong chiến tranh, lên án tội ác và vạch trần âm mưu của kẻ thù. Ộng cũng chính là người lên ý tưởng tổ chức trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến - và nhận được sự đồng ý của Hồ Chủ tịch.
Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ra và lớn lên tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Xuân Thủy là bút danh duy nhất của ông, được sử dụng đến lúc qua đời. Trở thành ký giả nổi tiếng khi mới ngoài 20 tuổi, ông quyết dùng tài năng của mình để phục vụ cách mạng từ năm 1932. Trong giai đoạn 1938 - 1943, ông nhiều lần bị bắt giam và đưa đi lưu đày nhưng những gian khổ này không khiến ông chùn bước mà tinh thần yêu nước lại càng mạnh mẽ hơn. Gặp gỡ nhà báo Trần Huy Liệu trong nhà tù Sơn La, cả hai cùng bí mật làm tờ "Suối Reo". Vì điều kiện khó khăn nên tờ báo này hoàn toàn được viết tay trên giấy thường, do đó nhiều khi các nhà báo phải viết trong nhà vệ sinh để tránh tai mắt của địch.
Sau khi bị đưa về quản thúc tại quê nhà vào đầu năm 1944, nhà báo Xuân Thủy vẫn tiếp tục hoạt động báo chí một cách bí mật và giữ vai trò chủ nhiệm kiêm cây bút chính của báo Cứu Quốc. Trong thời kì này ông đăng bài với nhiều bút danh giả như Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng. Đáng chú ý, cố nhà báo đã quy tụ được những tên tuổi lớn phục vụ cho tờ báo Cứu Quốc bao gồm Nguyễn Ngọc Kha, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Thành Lê cùng đội ngũ cộng tác viên toàn các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới...
Tại đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki vào tháng 7/1950, Hội những người viết báo Việt Nam đã được công bố là thành viên chính thức của OIJ. 7 năm sau tức là vào năm 1957, nhà báo Xuân Thủy trở thành Phó chủ tịch OIJ và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được giữ vị trí này. Từ tháng 5/1968, ông là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Không chỉ đấu tranh trên mặt trận báo chí, ngoại giao thông qua họp báo, trả lời phỏng vấn,... mà ông còn chủ trì các cuộc họp báo lớn, trực tiếp trả lời phỏng vấn nhiều nhà báo và các hãng thông tấn nước ngoài. Nhà báo Xuân Thủy chính là người chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam thành tổ chức báo chí duy nhất có tên là Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời cũng là vị Chủ tịch đầu tiên của hội này.
Với những đóng góp to lớn không ngừng nghỉ trong các công tác ngoại giao, báo chí, phong trào bảo vệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế... nhà báo Xuân Thủy đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày nay, tên của ông được đặt cho con đường Xuân Thủy cực kì nổi tiếng ở Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng nơi tọa lạc của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền - ngôi trường sản sinh ra rất nhiều những nhà báo, biên tập viên, MC nổi tiếng như Ngọc Trinh, Mai Ngọc, Phí Linh, Công Tố, Diệp Chi, Phương Thảo,...