Thích khách Việt Nam thời xưa táo tợn, liều lĩnh, có kẻ giết vua lưu danh sử sách ngàn đời
Những câu chuyện truyền kì về thích khách Việt Nam kịch tính không kém các sự kiện kinh điển của thích khách Trung Hoa thời phong kiến.
Thích khách là những người giỏi võ, thông thạo các loại vũ khí, thông minh, gan dạ và có khả năng xử lý tình huống khéo léo, nhanh nhạy. Sự đáng sợ của thích khách chính sự là sự liều lĩnh, coi nhẹ mạng sống của bản thân và quyết tâm đạt được mục đích. Mỗi thích khách có mục đích hành đông khác nhau, có thể là vì chính nghĩa, lòng trung thành, thù oán hoặc đơn gảin vì danh vọng địa vị, tiền bạc…
Câu chuyện thích khách ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên chúng ra đã nghe nhiều rồi nhưng ít ai để ý rằng ở Việt Nam cũng có những sự kiện tương tự không kém phần kịch tính. Dù chúng không được ghi chép lại nhiều trong các thư tịch cổ nhưng vẫn được nhắc lại cho đến tận ngày nay.
1. Thích khách Đỗ Thích ám sát vua
Vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979), sự kiện "Đỗ Thích thí Đinh – Đinh" là một sự kiện thích khách ám sát vua Đinh thành công gây chấn động lịch sử khi đó. Trong chính sử có ghi chép lại rằng Đỗ Thích vốn giữ chức lại ở Đồng Quan nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân đã ra tay sát hại, giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Thích khách này sau đó trốn ở máng nước trong cung qua 3 ngày thì bị cung nữ phát hiện lúc đang uống nước mưa. Kết cục là bị Định quốc công Nguyễn Bặc xử chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh.
Trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca còn có câu thơ nhắc đến sự kiện này như sau:
"Trùng môn thưa hở đề phòng,
Để cho Đỗ Thích gian hùng nỡ tay".
Có thể thấy được sự táo bạo và liều lĩnh của tên thích khách Đỗ Thích khi cùng lúc lấy mạng vua Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn. Tuy nhiên dã sử lại cho rằng Đỗ Thích đã bỏ thuốc độc vào món lòng lợn yêu thích của vua để hại chết ngài. khiến vua trúng độc mà mất. Con trai Đinh Liễn vào cung bị hắn đứng trong chỗ khuất xông ra dùng đoản đao lấy mạng.
2. Thích khách là mắt xích quan trọng trong âm mưu chính trị
Cuối thời Trần, triều đình suy yếu trong khi thế lực của Hồ Quý Ly ngày càng lớn mạnh. Coi đây là hậu họa, vua Trần Xương Phù (còn gọi là Giản Hoàng) cùng đại thần thân cận là Đại học sĩ, Tri thẩm hình viện Lê Hiến Giản (đỗ Bảng Nhãn năm 1374) bàn mưu ám sát Hồ Quý Ly. Sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược có ghi lại sự kiện này như sau: “Bấy giờ Hồ Qúy Ly chuyên quyền, ông vâng mệnh Giản Hoàng bày kế để giết. Một lần Qúy Ly đến nhà ông, ông sai thích khách nấp, lấy đoản đao đâm không trúng, bị Qúy Ly bắt được, ông bị hại”. Hành thích thất bại, đại thần mất mạng, vua Trần Xương Phù cũng bị truất ngôi và bị thắt cổ chết.
Đây không phải lần đầu tiên Hồ Quý Ly bị ám sát. Sách Đại Việt sử ký toàn có ghi chép về lần thứ hai ông bị ám sát như sau: "Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại, nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu.
Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: Chết uổng cả lũ thôi! . Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước".
Không lâu sau, Hồ Qúy Ly cướp ngôi lập ra nhà Hồ, con cháu nhà Trần dù phải trốn lánh nạn nhưng vẫn ấp ủ kế hoạch hạ sát Hồ Quý Ly. Tương truyền Trần Kiểu là cháu vua Trần Anh Tông khi trốn về trại huyện Đại An, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định) đã nhờ bạn là Vũ Duy Dương tìm cách ám sát vua để báo thù. Vũ Duy Dương sau đó nghe tin vua Hồ về tuần thú ở phủ Thiên Trường và sắp lên núi Thôi Ngôi để vãn cảnh chùa ẩn nấp đợi vua đi qua thì nhảy ra dùng giáo đâm. Thế nhưng Hồ Quý Ly không mất mạng mà chỉ bị thương, Vũ Duy Dương bị bắt, đập đầu tự sát rồi chết.