Đời sống

Danh tính nữ đặc công Việt Nam 17 tuổi kết nạp Đảng, 20 tuổi được phong Anh hùng LLVT nhân dân

15 tuổi tham gia Cách mạng, sau 5 năm hoạt động năng nổ và có nhiều đóng góp cho đất nước, nữ đặc công quê Bình Định đã được phong là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi. 

Trong lực lượng đặc công Việt Nam thời chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Phúc (70 tuổi, ở đường Phạm Ngọc Thạch, TP Quy Nhơn) là một cái tên năng nổ, nhiệt huyết và có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc. 

Bà Nguyễn Thị Phúc (giữa) vinh dự được đại tướng Phan Văn Giang (phải) - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến thăm vào tháng 1/2023. Nguồn ảnh: Phóng viên HỒNG PHÚC

Bà Nguyễn Thị Phúc xuất thân trong một gia đình có có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ). Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, bà Phúc được ba nuôi lớn, chịu sự ảnh hưởng của ba và đồng đội nên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Chính vì vậy mà vào tháng 5/1968, bà chính thức thóa ly gia đình để nhập ngũ khi mới 15 tuổi. Bà hoạt động tại Đội 2 (Huyện đội Phù Mỹ) với vai trò liên lạc, sau đó học y tá rồi đến học mũi trưởng đặc công. 

Bà Phúc hồi trẻ

Rời quê hương, gia đình ở độ tuổi còn quá trẻ, bà Phúc đến bây giờ vẫn còn nhớ cảm giác nhớ nhà đến bật khóc. Bà tâm sự: "Thời gian này, tôi được cán bộ, chỉ huy động viên nhiều lắm. Rồi chứng kiến sự tàn ác, nhẫn tâm của quân thù đã biến căm thù thành sức mạnh trong tôi. Từ đó tôi không còn khóc, cũng không sợ hy sinh hay bất cứ cái gì, miễn sao giết được giặc".

2 năm sau khi tham gia cách mạng, tức là vào năm 1970, bà Phúc nhận nhiệm vụ trinh sát căn cứ địch để chuẩn bị trận đánh Trung đội bảo an của địch (đóng tại cầu Bình Trị). Khi đó, ban ngày bà vào vai người bán xác mì, ban đêm là mũi đặc công luồn sâu vào căn cứ địch. Cứ như vậy đến đêm 9/4/1970, bà cùng các mũi đặc công của huyện Phù Mỹ đã đánh chiếm thành công căn cứ địch, tiêu diệt nhiều sinh lực và thu được nhiều chiến lợi phẩm. Với sự đóng góp to lớn vào trận đánh này, bà Phúc chính thức được kết nạp vào Đảng và buổi lễ kết nạp diễn ra ngay tại trận địa. Cô thiếu nữ 17 tuổi khi đó vô cùng vinh dự và xúc động, đó là khoảnh khắc in sâu trong tâm trí bà đến tận bây giờ. 

Đặc công Việt Nam đang tác chiến (Năm 1975)

Từ đó bà Phúc càng hăng hái hơn, tham gia vào 52 trận đánh với nhiệm vụ trinh sát, xây dựng cơ sở cách mạng, vẽ sơ đồ căn cứ của địch và tìm vị trí cất giữ vũ khí quân ta an toàn, hiệu quả. Bà kể lại rằng bản thân luôn "sẵn sàng lăn xả vào căn cứ địch, cải trang thành bất cứ thành phần nào trong xã hội, vai nào cũng tròn", ngay cả cái chết cũng không làm bà run sợ. Chính vì thế nên hầu hết nhiệm vụ đều được thực hiện suôn sẻ, qua mặt được địch và đưa chiến sĩ của ta đến điểm hẹn một cách an toàn. "Để từng trận chiến thắng lợi, nỗi sợ của bản thân không là gì cả, hiệu quả của nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu", người cựu đặc công nhấn mạnh. 

Trong giai đoạn 1969 - 1973, bà Nguyễn Thị Phúc có 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp Quân khu 5, 3 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đặc biệt, vào ngày 2/9/1973, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 20 tuổi. Đất nước được giải phóng, con đường cách mạnh của người nữ đặc công này vẫn chưa dừng lại. Bà từng là đại biểu Quốc hội khóa VI, làm việc tại Hội LHPN tỉnh năm 1979 và nghỉ hưu vào năm 1995. Dù chiến tranh đã qua đi nhưng tấm gương về một người nữ đặc công gan dạ, thông minh, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào sẽ in sâu trong tâm trí của các lớp trẻ mãi mãi về sau.