3 chữ trong mật chỉ Càn Long ban cho Hòa Thân trước khi mất là gì mà khiến hắn xanh mặt khi mở ra?
Hòa Thân coi mật chỉ này là 'kim bài miễn tử' cho đến khi mở ra xem mới 'xanh mặt' vì 3 chữ bên trong đó.
Hòa Thân là "đệ nhất tham quan" trong lịch sử Trung Quốc nhưng cũng là đại thần được vua Càn Long sủng ái nhất. Nghe tới đây, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ Càn Long hồ đồ, bị Hòa Thân che mắt nhưng trên thực tế lại ngược lại. Càn Long thừa biết chuyện Hòa Thân tham ô nhưng vẫn "mắt nhắm mắt mở" vì hắn thực chất chính là một chiếc túi tiền không đáy để nhà vua mặc sức bòn rút. Thêm vào đó, Hòa Thân là một nhân tài phụ trách chuyện tài chính lẫn đối ngoại của triều đinh, không bao giờ bớt xén những khoản tiền quan trọng như tiền cứu trợ, lại vô cùng khôn khéo và biết lấy lòng "thiên tử". Suy đi tính lại, giữ Hòa Thân bên mình chỉ có lợi chứ không có hại, Càn Long việc gì phải xử tội hắn.
Thế nhưng con trai của Càn Long và cũng là người kế vị ông - Gia Khánh đế - lại không nghĩ vậy. Gia Khánh cực kì căm ghét Hòa Thân, chính vì vậy khi Càn Long qua đời được 15 ngày liền lập tức vạch 20 tội danh của tên đại tham quan, xử lăng trì, tịch thu gia sản. Đến lúc này Hòa Thân mới nghĩ tới mật chỉ cứu mạng mà hắn đã xin Càn Long để phòng lúc nguy nan sẽ đem ra sử dụng như "kim bài miễn tử".
Tương truyền, Càn Long đã thực sự giao cho Hòa Thân mật chỉ và dặn dò kĩ chỉ khi nào cần dùng tới thì mới mở ra. Do đó nội dung bên trong ra sao Hòa Thân cũng không biết trước. Sau khi bị Gia Khánh hạch tội và khám nhà, Hòa Thân biết được bản thân đã không còn chạy tội được nữa nên quyết định đem mật chỉ mà Càn Long ban cho để cứu vớt đại cục. Thế nhưng khi mở tấm mật chỉ ra, tên tham quan này "xanh mặt" vì nội dung vỏn vẹn 3 chữ: "Cho toàn thây".
Có thể thấy, Càn Long đã nhin trước được kết cục của Hòa Thân sau khi mình qua đời. Biết không thể che chở cho sủng thần được nữa, ông chỉ còn cách xin cho hắn một cái chết bớt đau đớn. Hậu thế sau này cho rằng Gia Khánh đế vì kiêng nể mật chỉ của Càn Long nên đã cho hắn được chết toàn thây bằng cách tự vẫn tại phủ vào ngày 22/2/1799.