Bài viết này sẽ giới thiệu những mẫu máy ảnh nhỏ gọn nhưng được chăm chút đầu tư cho chất lượng hình ảnh trên thị trường.
Có hàng trăm, hàng nghìn mẫu máy ảnh compact trên thị trường, đa phần trong đó là những mẫu máy “du lịch”, với cảm biến nhỏ, ống kính chất lượng tàm tạm. Chúng phục vụ nhu cầu của dân không chuyên, tức là hướng đến sự nhỏ gọn và những hiệu ứng xử lý hình ảnh là chính chứ không phải là chất lượng hình ảnh.
Tuy nhiên, trong số ấy cũng có những chiếc máy được các hãng đầu tư nghiên cứu, với ống kính và cảm biến chất lượng tốt, cho ra những bức ảnh xuất sắc không kém gì những chiếc DSLR, có kém hơn chăng chỉ ở khả năng thay ống kính và những tinh chỉnh sâu nhất.
Bài viết này sẽ giới thiệu những mẫu máy ảnh được chăm chút đầu tư, cũng như có mức giá khá cao trên thị trường.
Fuji X20
Giá: Khoảng hơn 10 triệu đồng.
Thông số: Cảm biến X-Trans CMOS II 12mpx, ống kính 7.1-28.4 f/2.8.
Fuji X20 kế thừa thành công của mẫu X10
Sự xuất hiện của Fuji X10 năm trước, cùng với mẫu Mirrorless X-Pro 1 đã mở đầu cho một năm kinh doanh không đến nỗi tệ của Fujifilm, nhà sản xuất tưởng như đã phá sản khi không bắt kịp những gã khổng lồ đồng hương Nikon, Canon trong cuộc chiến máy ảnh số.
X20 ra đời với hơn 50 điểm cải tiến so với chiếc X10, trong đố quan trọng nhất là cảm biến X-Trans CMOS II với kích thước 2/3 inch, độ phân giải 12mpx, bộ lọc 6x6 RGGB, cùng bộ xử lý hình ảnh EXR II. X20 cũng được trang bị một hệ thống lấy nét lai thế hệ mới hơn, hoạt động hiệu quả hơn ở điều kiện ánh sáng yếu.
Canon Powershot G1X
Giá: Khoảng hơn 10 triệu đồng.
Thông số: Cảm biến CMOS 1.5 inch, độ phân giải 14.3mpx, zoom quang 4x, quay video chất lượng 1080p, màn hình LCD lật xoay.
Powershot G1X là mẫu máy compact cao cấp nhất của Canon
Chiếc G1X có khả năng zoom quang kém hơn nhiều so với các máy ảnh khác cũng thuộc dòng G của Canon, tuy nhiên điểm mạnh dễ nhận thấy của G1X chính là một cảm biến lớn đến 1.5 inch. Một cảm biến lớn hơn nghĩa là khả năng thu nhận ánh sáng, dải động và độ sâu màu cũng tốt hơn, qua đó cải thiện chất lượng ảnh chụp. Thú vị hơn, ảnh chụp từ chiếc máy này có tỉ lệ là 4:3, so với tỉ lệ 3:2 “truyền thống” ở các máy có cảm biến kích thước tương tự (DSLR).
Để “tương xứng” với cảm biến lớn này, Canon trang bị cho G1X một bộ xử lý hình ảnh DIGIC 5 mới nhất (ở thời điểm ra mắt của mẫu máy này), vốn tập trung vào khả năng khử nhiễu ở các mức ISO cao, xử lý mượt mà hơn các đoạn phim Full HD.
Hệ ống kính của máy đạt tiêu cự quy đổi là 28-112mm, và với nhiều chế độ tinh chỉnh như các máy ảnh dòng G khác, người dùng G1X sẽ không gặp khó khăn nhiều khi muốn can thiệp vào những thông số nhỏ nhất của quá trình chụp hình.
Nikon Coolpix A
Giá: Khoảng 16 - 17 triệu đồng.
Thông số: Cảm biến APS-C CMOS độ phân giải 16.2mpx, ống kính 28mm f2/8 (quy đổi), màn hình LCD 3 inch độ phân giải 921.000 điểm ảnh.
Coolpix A có cảm biến tương đương chiếc DSLR D7000 cũng của Nikon
Nikon chế tạo cảm biến của Coolpix A với độ phân giải tương đương với mẫu DSLR D7000 trung cấp của hãng, bỏ đi bộ lọc khử răng cưa để cho phép nó ghi lại các chi tiết hình ảnh sắc nét hơn (hiện nay nhiều chuyên gia vẫn tranh cãi về tính hiệu quả của phương pháp này).
Hướng đến những người chụp ảnh “nghiêm túc”, chiếc Coolpix A trang bị nhiều chế độ chụp: ưu tiên khẩu độ, ưu tiên tốc độ màn trập, chỉnh tay hoàn toàn, tất nhiên vẫn có những chế độ tự động hoàn toàn và chụp theo khung cảnh mặc định (phong cảnh, chân dung, macro…)
Khi “soi” ảnh chụp từ Coolpx A có thể nhận thấy, máy có khả năng ghi lại những hình ảnh rất sắc nét, tương đương với các máy DSLR, tuy nhiên thời gian trễ còn tương đối. Ngoài ra, hiện tượng tối 4 góc (vignetting) vẫn xuất hiện trong nhiều bức ảnh kể cả khi khép khẩu khá sâu.
Giá: Khoảng 7 – 8 triệu đồng.
Thông số: Cảm biến 10.1mpx, zoom 3.8x, tiêu cự nhỏ nhất 24mm đạt chuẩn góc rộng.
Panasonic LX7 với hệ ống kính của Leica
Chiếc LX7 của Panasonic chỉ có độ phân giải 10.1mpx như người tiền nhiệm LX5. Tuy nhiên, mẫu máy này đã có một cảm biến mới với độ nhạy tốt hơn nhiều, qua đó có dải động và độ sâu màu, cũng như khả năng chụp đêm được cải thiện rất nhiều.
Vòng chỉnh khẩu của máy nằm ngay ở phía trước máy, một thiết kế đúng kiểu “hoài cổ”. Ống kính của máy khá hạn chế vì tiêu cự không quá rộng, tuy nhiên có khả năng tinh chỉnh về chế độ lấy nét (tự động/chỉnh tay) cũng như về tỉ lệ hình ảnh.
Ống kính của máy có khẩu độ f=1.4-2.3, tiêu cự quy đổi 24-90mm. Phải nói rằng tiêu cự 24mm là một trong những tiêu cự rộng nhất được trang bị trên máy compact.
Giá: Khoảng 50-60 triệu đồng.
Thông số: Cảm biến Exmor CMOS Full-frame độ phân giải 24.3mpx, ống kính 35mm f2.0 Carl Zeiss với lớp tráng phủ T*, quay video Full HD.
Sony RX1 là mẫu máy compact tốt nhất hiện có trên thị trường
Nói đến những máy ảnh compact đắt nhất, hay tốt nhất, mà không nhắc đến chiếc máy “Huyền thoại đương đại” này thì quá là thiếu sót.
Với chiếc RX1, Sony đã mạnh dạn trang bị một cảm biến Full Frame, cùng một ống kính tiêu cự cố định 35mm f2.0 Carl Zeiss có lớp tráng phủ T* trứ danh trong một thân máy compact, một quyết định mà chưa nhà sản xuất nào dám làm cho tới lúc đó.
RX1 cũng có một bộ xử lý hình ảnh BIONZ mới nhất, tăng cường khả năng xử lý video chuẩn Full HD, cũng như hỗ trợ một dải ISO “khủng” 50 – 102.400, chỉ được trang bị trên những mẫu DSLR cao cấp nhất, đắt tiền nhất.
Về chất lượng hình ảnh, RX1 cho ra những hình ảnh xuất sắc, buộc phải dùng từ như vậy. Hình ảnh có độ chi tiết, màu sắc và dải động cực kỳ tốt. Có thể nói không cường điệu rằng RX1 có chất lượng chẳng khác gì những mẫu Full Frame đắt tiền nhất. Điểm kém duy nhất của chiếc máy này so với những chiếc 5D mark III, 1DX hay D4 có lẽ chỉ ở tốc độ xử lý và khả năng tráo đổi ống kính.
Giá: Khoảng 12 triệu đồng.
Thông số: Kảm biến Exmor CMOS độ phân giải 20.2mpx, hệ ống kính zoom quang 3.6x, khẩu độ f=1.8 -4.9, quay video Full HD, bộ xử lý hình ảnh BIONZ.
Sony RX100 "nhỏ mà có võ"
Mặc dù có body khá nhỏ gọn, chỉ tương tự những máy ảnh du lịch, nhưng chiếc RX100 vẫn có một cảm biến lớn hơn so với thông thường. Trên thực tế là cảm biến của chiếc máy này tương đương với những mẫu Nikon 1 V1 hay J1 (cảm biến của Nikon cũng là do Sony sản xuất), những mẫu máy mirrorless tốt nhất (và duy nhất) của Nikon.
RX100 có chất lượng hoàn thiện body rất tốt, cung cấp khả năng điều khiển đầy đủ các thông số của quá trình chụp. Máy cũng có vòng tinh chỉnh quanh ống kính tương tự như mẫu máy của LX7.
Hình chụp từ RX100 có độ chi tiết cao, dải động rộng, tuy màu sắc không thực sự rực rỡ.
Đọc thêm: 5 xu hướng máy ảnh năm 2013