Thế giới sẽ chấm hết nếu xảy ra cuộc chiến tranh giữa 2 quân đội mạnh nhất hành tình này?
Suốt nhiều năm qua, Nga và Mỹ luôn cố gắng để không xảy ra xung đột hay đưa hai bên đến “điểm sôi”. Bởi lẽ, một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa 2 quốc gia sẽ không thể giải quyết được xung đột mà trái lại, có thể là thảm họa đặt dấu chấm hết cho thế giới.
Theo các chuyên gia quân sự, không nên đưa ra những so sánh về tương quan lực lượng giữa Nga và Mỹ. Nhà khoa học Albert Einstein từng nói rằng: "Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá".
Các nhà phân tích quân sự Nga đưa ra những dự đoán cụ thể hơn rằng: "Chiến tranh hạt nhân với một nước như Nga sẽ là cuộc chiến cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Bởi cuộc chiến sẽ có đến hàng trăm xe tăng, hàng nghìn súng ống, những vụ nổ hạt nhân, hàng triệu người chết và những thiệt hại không thể đong đếm được”.
Để nhân loại nắm rõ hơn về hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, vào tháng tháng 11/2021, Tạp chí Nghiên cứu Địa Vật lý đã đưa ra đánh giá: “Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, bầu khí quyển sẽ bị tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta từng tính toán trước đó”.
Bởi việc kích hoạt vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những đám cháy vô cùng lớn và giải phóng nhiều tro bụi vào không khí, ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu đến mặt đất, làm cho sản xuất lương thực sụt giảm và khiến nhiều người chết, nghiên cứu này nhận định.
"Một tỷ lệ lớn dân số sẽ bị đói. Điều này thực sự tồi tệ", Lili Xia, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Rutgers, đồng thời là chủ nhiệm nghiên cứu trên đánh giá với trang Nature.
Dựa trên những nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học đã tính toán lượng tro bụi được giải phóng từ các vụ nổ hạt nhân sẽ cản trở ánh sáng mặt trời như thế nào: "Ánh sáng giảm, khí hậu toàn cầu lạnh hơn và những giới hạn thương mại được áp đặt sau chiến tranh hạt nhân sẽ là một thảm họa cho an ninh lương thực toàn cầu".
Nghiên cứu trên cũng tính toán được rằng, bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào đều sẽ tạo ra hơn 5 telegram (5 nghìn tỷ gram) tro bụi, gây ra tình trạng thiếu lương thực trên quy mô lớn ở hầu hết mọi quốc gia.
"Trong viễn cảnh khủng khiếp này sẽ có nhiều người chết ở Mỹ, châu Âu, Nga, các đồng minh và nhiều nước khác", ông Deepak K. Ray nhận định với Newsweek.
Các tác giả nghiên cứu ước tính rằng, số người chết đói do chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan là khoảng 2,5 tỷ người trong 2 năm sau khi xung đột nổ ra, trong khi chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ khiến khoảng 5 tỷ người trên hành tinh chết đói.
Dmitry Stefanovich, học giả nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới Primakov đánh giá: “Chiến tranh giữa Nga và Mỹ có lẽ chỉ xảy ra nếu một hoặc cả hai nước liên tục diễn giải sai ý định của đối phương và phán đoán sai về khả năng của họ nhằm kiểm soát căng thẳng leo thang.
Dù vậy, tôi cho rằng thậm chí cả khi có những sự cố dẫn đến binh lính Nga hoặc Mỹ thiệt mạng, hay sự phá hủy tàu hoặc máy bay của đối phương thì Moscow và Washington sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để tránh căng thẳng leo thang thêm nữa”.
Mặc dù việc xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Mỹ là điều khá xa vời nhưng việc dự đoán viễn cảnh này vẫn không dừng lại trừ khi có một số động thái ngừng leo thang căng thẳng giữa 2 bên.
Hiện nay, Washington và các đồng minh NATO đã nhất trí sẽ thảo luận các đề xuất của Moscow về những đảm bảo an ninh, với vòng đàm phán đầu tiên bắt đầu ở Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 1.
"Chúng tôi hy vọng không ai coi xung đột là viễn cảnh mong muốn. Chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo an ninh của mình bằng những phương tiện mà chúng tôi cho là phù hợp", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định.