Nữ thượng úy tình báo VN xuất thân cực khủng, có vỏ bọc hoàn hảo qua mặt kẻ thù, lừa cả máy nói dối
Nói đến nữ tình báo, cái tên Tám Thảo có lẽ sẽ là một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên. Tám Thảo chính là thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung (SN 1932), nguyên là cán bộ của Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
Bà Thảo xuất thân từ một gia đình giàu có, vốn là tiểu thư đài các. Nhưng năm 16 tuổi cô tiểu thư này đã tìm đến nghề tình báo và trốn gia đình đi tìm vùng chiến khu. Nhiệm vụ khi đó của bà là lái đò đưa cán bộ qua sông. “Vị khách” quen thuộc nhất của bà Thảo chính là nhà tình báo nổi tiếng Phạm Ngọc Thảo.
Một thời gian sau, bà Thảo được đưa vào nội thành Sài Gòn làm giao thông viên bí mật. Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký, bà Thảo xin tập kết ra Bắc nhưng cấp trên là ông Mười Hương đã đề nghị bà ở lại. Nghe xong, nữ tình báo dõng dạc đáp: “Vâng, thế em ở lại. Tổ quốc là trên hết”.
Vỏ bọc của người phụ nữ này khi đó là một tiểu thư bán vải nổi tiếng ở chợ Bến Thành. Tổ chức đặt cho bà bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo – Tám Thảo, chuyên giao liên cho tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Cặp bài trùng Phạm Xuân Ẩn – Tám Thảo đã làm nên nhiều “phi vụ” đi vào lịch sử. Về sau, chính Tám Thảo đã đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu ở Củ Chi gặp các lãnh đạo, nhận phân công nhiệm vụ. Tất cả tài liệu mật tướng Ẩn giao cho, Tám Thảo đều vận chuyển về chiến khu an toàn.
Năm 1966, Tám Thảo ngưng làm giao liên mà bắt đầu nhiệm vụ mới. Bà được giao nhiệm vụ xâm nhập vào đầu não của địch. Nhờ biết tiếng Anh và tiếng Pháp, Tám Thảo được làm thông dịch viên cho sỹ quan cố vấn người Mỹ làm việc cho ngụy. Đây lại là vỏ bọc hoàn hảo để bà hoạt động tình báo.
Giữa một nơi mà xung quanh đều là mật thám, CIA Mỹ lão luyện, Tám Thảo vẫn bình tĩnh, khéo léo để giữ mình, che mắt chúng. Thậm chí dù địch đưa máy kiểm tra nói dối ra thử, Tám Thảo cũng đánh lừa được nó. Cũng sau lần vượt qua máy nói dối, Tám Thảo được địch tin tưởng hoàn toàn. Ít lâu sau bà lấy được tài liệu quý giá của ngụy, góp phần quan trọng vào hoạch định chiến lược cho cuộc chiến.
Sau 1975, Tám Thảo không còn làm tình báo mà chuyển hẳn về làm ở Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM. Năm 2002, bà chính thức nghỉ hưu, sống ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn minh mẫn, chăm đọc sách, sống quây quần bên con cháu. Thỉnh thoảng nữ thượng úy lại đến các buổi giao lưu để chia sẻ về quãng đường làm tình báo của mình.
Người anh hùng là bậc thầy tình báo Việt Nam, tên tuổi vang danh, được chọn đặt tên nhiều con đường
Trong ngành Tình báo QĐND Việt Nam, vị anh hùng này được xem là “Thủ trưởng đầu tiên”. Ông có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.