Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên, tên được chọn đặt cho nhiều đường phố trên cả nước
Nữ Chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam chính là Nguyễn Thị Minh Khai. Trong phong trào Cộng sản Việt Nam, bà được xem như nữ tiền bối. Năm 1910, Nguyễn Thị Minh Khai chào đời trong một gia đình công chức nhỏ ở Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngày bé, bà được theo học ông Trần Phú và giác ngộ cách mạng từ sớm. Năm 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu và Đảng Tân Việt (sau này là Đông Dương cộng sản liên đoàn).
Năm 1930, người phụ nữ này được cử sang Hương Cảng để làm việc ở văn phòng chi nhánh của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Nguyễn Thị Minh Khai làm thư ký cho Bác Hồ và được Bác trực tiếp giáo dục lý luận, chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng.
Năm 1935, tại Đại hội Quốc tế Công sản ở Mát-xcơ-va, Nguyễn Thị Minh Khai có bài tham luận về “Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng” và gây được tiếng vang lớn. Đây là lần đầu tiên một người phụ nữ phương Đông đứng ra vạch trần chính sách xâm lược của thực dân Pháp với Đông Dương.
1 năm sau nữ chiến sĩ về nước, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và làm bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Bà tích cực lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh, tham gia xây dựng Đảng ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
7/1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt và tuyên tử hình. Nhiều tài liệu chép lại rằng, giây phút nghe tuyên án xong, bà quay sang dặn em gái: “Thôi, em về đi. Chị chết nhưng không ân hận, vì chị đã làm một việc có ích cho dân tộc, cho cách mạng”.
Sáng 28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai bị xử bắn ở Hóc Môn với một số đồng chí khác.
Ngày nay, tưởng nhớ tấm gương anh hùng của Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều tỉnh thành Việt Nam đã chọn tên bà để đặt cho đường phố, trường học. Riêng ở Hà Nội, đường Minh Khai là một con đường sầm uất, phương tiện di chuyển đông, dài hơn 4km. Còn TP.HCM có ngôi trường Nguyễn Thị Minh Khai nổi tiếng với biểu tượng hoa mai và đồng phục áo tím truyền thống. Cũng tại thành phố này có con đường mang tên vị nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên, cũng dài 4km từ cầu Thị Nghè đến vòng xoay Ngã sáu Cộng Hòa. Tại TP.Vinh (nơi Nguyễn Thị Minh Khai sinh ra) vừa có đường mang tên bà, vừa có nhà lưu niệm để trưng bày hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của bà.
Nữ tình báo đẹp nhất nhì Việt Nam xưa: Là quận chúa đình đám, ẩn mình dưới vỏ bọc không ai ngờ đến
Đang là một quận chúa sống trong nhung lụa, người phụ nữ này lại lựa chọn trau dồi bản thân và trở thành nữ tình báo. Đóng góp của bà trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc là không hề nhỏ.