Khám phá mới

Góc khuất về danh tướng huyền thoại Việt Nam, được mệnh danh ‘đặc công nước’ đầu tiên của đất nước

Thời Trần có rất nhiều danh tướng, điểm qua một lượt có thể kể đến như Đoàn Nhữ Hài, Dã Tượng, Yết Kiêu, Hồ Nguyên Trừng, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khát Chân, Trần Quốc Toản… Trong đó, người được vua Trần ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân chỉ có một – Yết Kiêu.

yet-kieu-3
Ảnh minh họa

Yết Kiêu (1242 – 1303), tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Sinh thời, ông là 1 trong 5 tướng tài của Hưng Đạo Vương, giúp nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Đến tận bây giờ người đời vẫn nhắc về ông với sự ngưỡng mộ khả năng bơi lội. Yết Kiêu được mệnh danh là ông tổ ngành bơi lội, "đặc công nước" đời đầu của nước ta.

Không những tài giỏi, Yết Kiêu còn có vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú. Xuất thân trong một gia đình có cha làm nghề chài lưới, mẹ bán nước ở bến đò, Yết Kiêu trải qua tuổi thơ khá khó khăn. Từ bé ông thường xuyên phải đi cào hến, cài lưới giúp mẹ kiếm ăn. Nhưng cũng vì được tiếp xúc với sông nước từ bé nên Yết Kiêu rất giỏi bơi lội.

Năm 15 tuổi, Yết Kiêu vô tình thấy 2 con trâu trắng húc nhau. Sau khi đánh đuổi, cản chúng lại, 2 con trâu bỗng biến mất. Yết Kiêu nhặt được 2 chiếc lông trâu, đưa xuống nước thì đột nhiên nước rẽ ra làm đôi. Nghĩ là lông trâu thần nên ông nuốt luôn vào bụng. Từ đó, Yết Kiêu vô cùng cường tráng, có thể đi dưới nước như ở trên cạn.

Ngày nay, trong Đền Quát ở Hạ Bì, nơi thờ Yết Kiêu vẫn còn lưu giữ bức hoành phi “Thiên cổ dị nhân”. Người đời sau này cho rằng câu chuyện trên có phần được hư cấu để tăng thêm tính phi thường của Yết Kiêu, khẳng định tài bơi lội của ông là do thần linh mang đến.

yet-kieu-1
Ảnh minh họa

Khả năng đi bộ dưới nước của Yết Kiêu đã được chứng minh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và ba. Nhờ lập nhiều chiến công mà ông được ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân. Ngoài ra, triều đình còn chính thức lấy tên một loài cá lớn ngày xưa để đặt cho ông – Yết Kiêu.

Nhiệm vụ chính của Yết Kiêu ngày ấy là đục thuyền địch trong đêm. Có lần ông bị truy đuổi đành trốn tạm vào bụi cây. Địch dùng kiếm đâm vào bụi cây trúng đùi Yết Kiêu nhưng ông cắn răng chịu đựng. Thậm chí danh tướng này còn dùng tay lau vết máu trên lưỡi kiếm để kẻ thủ không phát hiện ra.

Chuyện kể rằng, sau khi đẩy lùi được quân Nguyên Mông, Yết Kiêu làm nhiệm vụ tháp tùng bảng nhãn Lê Đỗ sang Nguyên triều đi sứ. Lần đó vua Nguyên mến mộ muốn gả công chúa cho Yết Kiêu nhưng ông từ chối, lấy cớ về xin vua Đại Việt đồng ý.

yet-kieu-2
Ảnh minh họa

Về nước, vua quan nhà Trần cũng không đồng ý cho Yết Kiêu lấy công chúa nhà Nguyên. Chờ mãi không thấy người trở lại, vị công chúa này đích thân sang Đại Việt làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Vua tôi nhà Trần nói dối rằng Yết Kiêu đã qua đời. Tỏ lòng tiếc thương danh tướng Đại Việt, công chúa nhà Nguyên đã thuê người tạc tượng ông, thả xuôi sang nước ta rồi lập đàn cầu siêu bên bờ biển tỉnh Quảng Đông.

Công chúa khóc than: “Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng”.

Nói xong, công chúa gieo mình xuống biển Quảng Đông. Hai võ quan và chín người hầu cũng nhảy xuống theo để hầu công chúa.

yet-kieu-1
Đền Quát ở Hải Dương. Ảnh: Báo Hải Dương

Yết Kiêu mất năm 61 tuổi. Ngày ông qua đời, vua Trần đã lập đền thờ ở sông Hạ Bì. Sau hơn 700 năm, đền Quát đến nay vẫn tồn tại, được tôn tạo khang trang và tu sửa nhiều lần. Đền Quát hiện còn lưu truyền chiếc mũ cổ bằng đồng, rất nặng. Nó từng được Yết Kiêu đội khi đánh trận.

 

 

Người dân làng này coi Yết Kiêu là Thành hoàng, người khai thiên lập địa. Hầu hết họ cũng đều làm nghề sông nước, chỉ khác là không chỉ giới hạn trong tỉnh Hải Dương. Hàng năm đền Quát lại tổ chức lễ hội vào rằm tháng giêng và rằm tháng tám. Đặc biệt ở đây cũng có lễ hội tế công chúa Nguyên triều. Chỉ có những cô gái chưa chồng mới được tham gia lễ rước này.

 

Những ‘đặc công nước’ huyền thoại đi vào lịch sử Việt Nam: Nhân vật số 1 không ai không biết

Vai trò của những “đặc công nước” này trong công cuộc gìn giữ, bảo vệ đất nước là không hề nhỏ. Trong đó, nhân vật số 1 chính là người được nhắc đến nhiều nhất, lưu danh sử sách.