Cuộc đời danh họa Việt vẽ lên 2 'bảo vật quốc gia', ghi tên trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp
Nguyễn Sáng (1923-1988) quê ở làng Điều Hòa tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang. Ông là họa sĩ đứng đầu trong "tứ trụ" của làng Mỹ thuật Việt Nam - “Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái”. Từng theo học trường Mỹ thuật Gia Định 1936-938, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1941-1945, ông sau đó đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Hà Nội, trong căn nhà nhỏ ở số 65 Nguyễn Thái Học. Đối với Nguyễn Sáng, Hà Nội ý nghĩa đến mức ông từng thừa nhận: "Không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng đến giờ người ta vẫn nhắc".
Nếu trong âm nhạc có hiện tượng Văn Cao thì hội họa có hiện tượng Nguyễn Sáng. Ông được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì khả năng tạo ra những tác phẩm song toàn cả hai phương diện hùng ca và tình ca như cách Văn Cao sáng tác nhạc vậy. Thậm chí, cả hai còn cùng năm sinh và cùng có cuộc đời nhiều thăng trầm như nhau.
Trong những tác phẩm đặc sắc của mình thì 2 bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (1963) và "Thanh niên thành đồng" (1978) được xem là "bảo vật quốc gia". Tính đến năm 2023, bức “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” đã 60 năm tuổi và tròn 10 năm được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam (2013). Bức tranh này chính là "câu trả lời đẹp đẽ nhất của tôi về hình tượng người chiến sĩ, về anh bộ đội Cụ Hồ, về Điện Biên Phủ” - trích lời Nguyễn Sáng nói với ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện nay.
Nếu "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" được xem là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật hiện thực XHCN thì "Thanh niên thành đồng" lại diễn tả rõ nét nhất tinh thần bất khuất của thanh niên Việt Nam trong thời chiến. Năm 1980, Nguyễn Sáng đã chuyển nhượng tác phẩm này cho Bảo tàng Cách mạng tại TP. Hồ Chí Minh năm 1980 với giá 2.000 đồng. Bức tranh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam mượn đi triển lãm tại Cộng hòa Dân chủ Đức và trưng bày tại triển lãm cá nhân Nguyễn Sáng năm 1984 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói Nguyễn Sáng là một trong những họa sĩ thành công nhất lịch sử Việt Nam. Thế nhưng, cuộc đời của ông lại không tươi sáng như con đường nghệ thuật. Danh họa sinh năm 1923 từng có nhiều người yêu nhưng không có ai gắn bó với ông được dài lâu. Duy nhất là có cô người mẫu vẽ kém 32 tuổi là vợ chính thức của Nguyễn Sáng, đám cưới cả hai được tổ chức trong... bệnh viện gây xôn xao một thời.
Người vợ trẻ này cũng không sống cùng ông lâu mà mất sớm. Nguyễn Sáng sống cô đơn trong nghèo khó. Đến năm 1988, khi sức khỏe yếu dần, Nguyễn Sáng quay vào Nam nương tựa người em nhưng người này lại mất đột ngột khiến ông trở thành kẻ tứ cố vô thân. Thế nhưng vì quá nghèo nên ông không thể về lại Hà Nội, mỗi buổi chiều chỉ biết ngồi quay về hướng Bắc và khóc nhớ Hà Nội. Ông từng trải lòng đầy tuyệt vọng với họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong lần gặp cuối cùng: “Mày có thương tao không, thương nhiều không, mày thương tao nhưng mày làm được gì, mày nhỏ bé quá, ôi Đoàn ơi, nghèo quá, làm sao mà lại về được bây giờ”.
Cuối cùng, năm 1988, họa sĩ Nguyễn Sáng qua đời ở TPHCM. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996. Đặc biệt, tên tuổi của Nguyễn Sáng còn được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.
Tuyến đường sắt 120 tuổi của châu Á được UNESCO công nhận là di sản thế giới bỗng ngừng hoạt động
Tuyến đường sắt này vốn dĩ là địa điểm thu hút lượng khách du lịch lớn từ cả trong lẫn ngoài nước.