Đời sống

Anh hùng đúc ra quả lựu đạn đầu tiên của Quân đội Việt Nam: Quên thân mình để chế thuốc nổ

Ngành quân giới của Việt Nam có nhiều tên tuổi lớn vô cùng tài năng cũng như có công lớn, từng được giao trọng trách gây dựng ngành từ những ngày đầu như: Nguyễn Ngọc Xuân, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Duy Thái, Ngô Văn Năm, Nguyễn Phúc Đồng, Cao Viết Bảo….

Trong đó, có 1 nhân vật là Ngô Gia Khảm được vinh danh là “Người Anh hùng Lao động số 1”, ông cũng là người đúc quả lựu đạn đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam. 

“Chúng ta vừa nghe chú Ngô Gia Khảm kể chuyện đúc lựu đạn, chắc là mọi người đều biết bộ đội Giải phóng quân Việt Nam lúc bắt đầu tổ chức chỉ có 12 người. Viên lựu đạn đầu tiên của bộ đội ta do Ngô Gia Khảm đúc. Có thể nói Ngô Gia Khảm đã xây dựng cái binh công xưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi Ngô Gia Khảm tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tổ chức tại Thái Nguyên năm 1952.

Anh hùng Ngô Gia Khảm (đứng giữa) cùng con gái và các cộng sự chụp ảnh tại Liên Xô năm 1974

Ngô Gia Khảm (1912 - 1990) có quê  ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông từng làm nghề cơ khí, sửa chữa khoá, cân, dao kiếm và nhiều bộ phận súng hỏng hóc nên được Đảng giao lập công binh xưởng và sản xuất, chế tạo lựu đạn. 

Đại tá Phan Trọng Phan - từng là thư ký của Anh hùng Ngô Gia Khảm đã từng chia sẻ trên báo Quân Đội Nhân Dân: "Tôi có nghe kể là nhận nhiệm vụ sản xuất, chế tạo lựu đạn, anh Ngô Gia Khảm lo lắm. Anh bảo: Mình là thợ cơ khí, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay đã biết gì về thuốc nổ đâu... Nhưng vì Đảng giao nên phải quyết nhận nhiệm vụ làm lựu đạn. Biết tin, trên cử thêm đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân (sau này là Cục phó Cục Quân giới) về cùng anh làm mìn, lựu đạn". 

Sau khi được giao nhiệm vụ, Ngô Gia Khảm và Nguyễn Ngọc Xuân bắt tay vào xây dựng binh xưởng. Theo như nhân chứng Nguyễn Ngọc Xuân đã ghi lại trong  sách “Lửa trong rừng sâu” về giai đoạn này như sau: “Công binh xưởng được đặt ở Làng Chè, cách phố phủ Từ Sơn khoảng chừng 5 đến 7 cây số. Ở đó có đồi, cây cối um tùm, kín đáo. Từ ngoài đường cái vào chỉ có một con đường nhỏ quanh co men theo chân đồi, người đi lại thưa thớt. Do vậy có thể giữ được bí mật. Hoặc giả nếu có lộ thì cũng dễ tẩu tán máy móc mà rút chạy”. 

Ngô Gia Khảm và Nguyễn Ngọc Xuân khi có nguyên liệu đã bắt tay vào chế lựu đạn. Cả hai dành thời gian cả ngày ở trong buồng để đánh vật với các loại thuốc pha chế. 

Sau khi tìm ra được công thức thuốc nổ thì lại đến giai đoạn đúc vỏ lựu đạn. Vì chỉ mới được trông thấy quân Nhật đeo chứ chưa được sờ tận tay nên chỉ mong có 1 quả lựu đạn mẫu. Đúng lúc đó, Đình Bảng "xoáy" được một quả “lọ mực” của Nhật đem cho, ông Xuân nói: "Lựu đạn của nó sản xuất trong nhà máy lớn, tinh vi lắm, khó bắt chước được. Mình nghĩ ra một kiểu riêng để búa tay, lò rèn có thể sản xuất được".

Trong quá trình cho ra đời quả lựu đạn đầu tiên, cả hai ông đã gặp nhiều khó khăn từ chế tạo thuốc nổ, vỏ lại thêm nhiều thứ của những bộ phận phức tạp trong quả lựu đạn. Hay như chuyện phát hiện ra là thiếu sắt tây lúc chuẩn bị lắp lựu đạn, rồi lại đến chuyện dây cháy chậm…

Cuối cùng sau hai tháng nghiên cứu, quả lựu đạn đầu tiên ra đời với dáng thon thon hình quả đào, trên khắc nổi hai chữ VM (Việt Minh). Anh hùng Ngô Gia Khảm từng kể lại trong hồi ký: "Lần thứ nhất, toàn xưởng kéo ra rừng xem thử lựu đạn nhưng lần đó bị xịt, tháo ra xem lại thì do hạt nổ chế hỏng. Rút kinh nghiệm xong lại cho thử tiếp quả thứ hai ở gần xưởng... Một tiếng nổ uỳnh như xé tai, khói bốc mù mịt. Mọi người ôm lấy nhau vui sướng. Nhưng lần này, mảnh nổ vẫn còn to quá. Chúng tôi đúc liền hai trái vỏ mới, rãnh sâu và múi cao hơn một chút. Nhồi lắp xong, để tránh địch theo dõi, chúng tôi đưa về Hưng Yên để thử. Đây là lần thử thứ ba trong vòng một tháng. Một đêm trời tối, chúng tôi mò ra giữa cánh đồng thuộc Ngọc Lập, cách Mỹ Hào chừng cây số. Chúng tôi cho nổ cả hai quả. Hai quả nổ rất tốt, tiếng vang to và đanh. Sáng hôm sau, bà con đi chợ, kháo nhau: “Quân ta sắp về. Bom đã nổ thị uy rồi đó”. Ở Mỹ Hào về, chúng tôi bắt tay vào chính thức sản xuất theo kế hoạch. Đường dây liên lạc lên chiến khu đã nối xong. Từng thúng lựu đạn vượt suối, băng rừng lên Việt Bắc...".

Trong quá trình  lao động quên mình, ông cũng nhiều lần ‘vào sinh ra tử. Ôg từng vì công việc, cứu nhà máy mà bị thương đến 3 lần. Thậm chí ông đã bị hỏng cả tai mắt ,miệng ,mũi và què hai tay trong lần bị thương thứ 3.

Tuy nhiên không vì vậy mà nản chí, ông càng ngày càng cố gắng và tiến bộ. Đồng chí Khảm đã khéo tổ chức thi đua tập thể và đã đào tạo nhiều chiến sĩ thi đua xuất sắc trong nhiều đợt thi đua.

Với những công lao to lớn của mình, Ngô Gia Khảm được tặng thưởng loạt danh hiệu cao quý như: Chiến sĩ lao động toàn quốc và tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì (1950), Huân chương Lao động hạng nhì (1951), chiến sĩ số một của ngành công nghiệp, và được cử đi dự Đại hội liên hoan chiến sĩ toàn quốc tại Việt Bắc (năm 1952).

 

 

'Cha đẻ' của súng không giật chống tăng đầu tiên của Việt Nam: Chế tạo loạt vũ khí 'Made in VN'

Giáo sư đã nghiên cứu và chế tạo ra súng không giật chống tăng đầu tiên của Việt Nam được mệnh danh là “Ông Phật làm súng”, "Ông Vua vũ khí" của nước ta.