Xe Đức, Nhật 'đổi hồn mà không đổi xác': AI Trung Quốc thâm nhập trung khu điều khiển buồng lái
Tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2025, điều đáng chú ý không nằm ở ngoại hình xe, mà là thứ đang ‘sống’ bên trong chúng.
Ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến một bước ngoặt lặng lẽ nhưng sâu sắc: các hãng xe Đức và Nhật Bản, vốn là biểu tượng của công nghệ phương Tây, đang dần chuyển mình bằng cách đón nhận trí tuệ nhân tạo đến từ Trung Quốc.
Mercedes-Benz, BMW, Nissan, Honda... không còn chỉ là những cái tên gắn liền với kỹ thuật cơ khí chuẩn mực, mà nay đã trở thành những người tiên phong trong làn sóng tích hợp AI bản địa từ Trung Quốc.
Mẫu sedan điện CLA mà Mercedes-Benz trình làng tại Thượng Hải lần này có thể trò chuyện với bạn, hiểu mệnh lệnh của bạn chỉ sau 0,2 giây và “ghi nhớ” thói quen lái xe của bạn. Bí mật? Một trợ lý AI được vận hành bởi Doubao, mô hình ngôn ngữ lớn do ByteDance phát triển.
Đây không còn là cuộc chơi của phần cứng, mà là phần mềm, và sâu xa hơn là trải nghiệm cá nhân hóa mà Mercedes muốn đưa đến người dùng Trung Quốc.
Không chịu kém cạnh, BMW cũng đưa AI Qwen của Alibaba lên dòng xe Neue Klasse. Dù không nói quá nhiều về chi tiết, sự kết hợp giữa một trong những nhà sản xuất xe cao cấp nhất thế giới và gã khổng lồ công nghệ điện toán Trung Quốc gợi lên một viễn cảnh nơi ô tô không chỉ tự lái, mà còn có thể đưa ra quyết định nhanh, chính xác và mang tính ngữ cảnh hơn bao giờ hết.
Các nhà sản xuất Nhật Bản nổi tiếng với sự thận trọng. Nhưng lần này, Nissan và Honda đã chủ động bắt tay với DeepSeek, tích hợp AI cho phép tương tác giọng nói mượt mà, chatbot thông minh và khả năng điều chỉnh phản hồi theo cảm xúc người dùng. Không chỉ đơn giản là công nghệ – đây là nỗ lực để đồng điệu hơn với thói quen tiêu dùng hiện đại, nơi “trí thông minh nhân tạo” không còn là khái niệm xa lạ.
Trong khi các đối thủ đang “chạy” với AI Trung Quốc, Tesla vẫn đang… chờ. Cụ thể là chờ phê duyệt từ chính quyền Bắc Kinh để đưa công nghệ tự lái FSD vào thị trường đại lục. Không xuất hiện tại Triển lãm Thượng Hải, không công bố bước tiến mới, điều này càng cho thấy môi trường pháp lý tại Trung Quốc không dễ thâm nhập và rằng đôi khi, công nghệ tốt vẫn cần “hộ chiếu” địa phương để được phép hiện diện.
Không còn là nơi sản xuất phụ tùng hay lắp ráp, Trung Quốc giờ đây đã trở thành “trái tim AI” của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Từ Baidu với mô hình Ernie trên SUV Teramont Pro của SAIC Volkswagen, đến Huawei với buồng lái HarmonySpace 5, hay iFlytek cung cấp cả nền tảng mã nguồn mở cho tùy chỉnh, các công ty công nghệ Trung Quốc không chỉ tham gia, mà còn đang thiết kế lại tiêu chuẩn tương lai cho xe hơi thông minh.
Zhang Yichao – chuyên gia từ AlixPartners đã nói: “AI giờ không chỉ hiểu, mà còn hành động”. Và các thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới đang học cách để AI trở thành linh hồn mới của chiếc xe – từ một cỗ máy vận hành bằng nhiên liệu, giờ đây là một thực thể có thể phản ứng, học hỏi và đồng hành.