Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội và các chức vụ khác trong ngành Quân đội là điều nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Đối với một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân và cấp có thẩm quyền quy định tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc.
Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, bổ sung quy định về thanh toán cho những ngày không nghỉ phép, bổ sung một số từ, cụm từ vào quy định về chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ cùng với đó là bổ sung quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với đối tượng hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất...
Về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí việc sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cụ thể, với cấp úy sẽ là 50 tuổi; Thiếu tá là 52 tuổi, Trung tá là 54 tuổi, Thượng tá là 56 tuổi, Đại tá là 58 tuổi và cấp Tướng là 60 tuổi. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu, bảo đảm cho sĩ quan Quân đội nhân dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội "là ngành lao động đặc biệt".