Số lượng cơn bão đổ bộ vào Biển Đông năm 2025 tăng mạnh, hơn một nửa ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam?
Theo chuyên gia dự báo bão, trong năm nay, Biển Đông có thể đón nhiều cơn bão. Trong số đó, có một nửa cơn bão có thể tác động tới đất liền.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025 có thể là một trong những năm nóng nhất từng ghi nhận, với nhiệt độ trung bình toàn cầu dự báo cao hơn 1,29 - 1,53 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việt Nam tiếp tục duy trì mức nhiệt cao, tuy nhiên ít khả năng phá kỷ lục nắng nóng của năm 2024.

Hiện tại, ENSO đang có xu hướng chuyển từ La Niña suy yếu sang trạng thái trung tính vào giữa năm 2025. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra mưa lớn cục bộ, ngập úng đô thị, lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt, theo đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, Biển Đông dự báo sẽ có từ 11 đến 13 cơn bão trong năm, trong đó khoảng 5 - 6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Nguy cơ xuất hiện các cơn bão mạnh cấp 12 trở lên vẫn ở mức cao.
Các chuyên gia cảnh báo rằng những tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ rệt. Nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh với mức độ đáng báo động, trong đó mỗi năm thuộc thập kỷ gần đây đều nằm trong nhóm những năm nóng nhất lịch sử quan trắc. Sự gia tăng nhiệt độ này không chỉ ảnh hưởng đến nhiệt độ trung bình mà còn làm thay đổi các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, nắng nóng diện rộng có thể xuất hiện từ tháng 4-2025, muộn hơn so với trung bình nhiều năm, và số ngày nắng nóng dự báo ít hơn so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc Bộ và vùng núi Bắc, Trung Trung Bộ sẽ ít chịu tác động của nắng nóng gay gắt trong tháng 4, nhưng từ tháng 5, cường độ nắng nóng có thể gia tăng trên diện rộng.
Cũng theo nhận định của cơ quan khí tượng, trong tháng 4-2025, các đợt mưa chuyển mùa có khả năng xuất hiện tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Người dân cần đặc biệt đề phòng các đợt mưa vừa, mưa to trong các tháng 5 và 6, có thể gây ra ngập úng cục bộ và sạt lở đất ở khu vực miền núi.

thiên tai
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyến cáo chính quyền và người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, như tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, nâng cao năng lực ứng phó với bão lũ và hạn hán. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng là yếu tố quan trọng giúp giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.