Hội chứng 'trầm cảm cười': Mọi cảm xúc đều được che đậy bởi nụ cười, cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm
Trầm cảm cười có tên khoa học là Smiling Depression. Hội chứng này còn được gọi với tên khác là rối loạn trầm cảm kếo dài. Những người thường xuyên cười nói chưa hẳn là người sống lạc quan, tích cực.
Trầm cảm cười là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt khi tất cả những suy tư và cảm xúc thật đều bị che đậy bằng một nụ cười. Dù bề ngoài luôn lạc quan, hạnh phúc nhưng bản thân người bệnh luôn phải đấu tranh tư tưởng, giằng xé nội tâm.
Trên trang web y tế của một bệnh viện cho biết, trầm cảm cười có thể do nguyên nhân sinh lý và tâm lý.
Về sinh lý: Những bất thường về não, hệ thần kinh, chẳng hạn, người bị u não, chấn thương não hay sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện trong thời gian dài sẽ khiến tâm trạng và cảm xúc thay đổi, đối mặt với nguy cơ trầm cảm cười.
Về tâm lý: Phần lớn tâm lý người bệnh gặp vấn đề. Những người luôn nhận được sự kỳ vọng lớn, sợ bản thân thành gánh nặng, sợ bị kỳ thị,… cũng là điều dẫn đến căn bệnh này. Theo các chuyên gia, căn bệnh này có thể giết chết người bệnh âm thầm, dai dẳng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Những tác hại nghiêm trọng mà người bệnh có thể mắc phải như: suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, đau nửa đầu, đau vai gáy, các vấn đề liên quan tới nội tiết tố,…
Mặc dù khó nhận biết nhưng người mắc trầm cảm cười vẫn trải qua những cung bậc cảm xúc của căn bệnh trầm cảm như buồn bã, chán nản, bi quan và mặc cảm. Người mắc trầm cảm cười có thể có những triệu chứng sau: chán nản, buồn bã, thay đổi khẩu vị, thay đổi thói quen sinh hoạt,…
Tuy hội chứng trầm cảm cười đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng lại chưa được công nhận là một dạng trầm cảm dựa trên chẩn đoán DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản). Từ đó, trầm cảm cười chưa nhận được nhiều sự chú ý và chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác.