Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định Việt Nam đang đối mặt với 'đại dịch mới', cần phải đưa ra giải pháp khẩn cấp để đối phó toàn diện.
Vấn nạn học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đang ngày nóng lên, gây ra nguy cơ tổn thương phổi nghiêm trọng và có thể động đến não bộ. Đáng chú ý, có khoảng 14% người trẻ tuổi đang trong độ tuổi học sinh thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử.
Trong một nghiên cứu mới đây do Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện, trong số 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam tham gia khảo sát có đến 96,2% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử, 37,8% học sinh biết về thuốc lá nung nóng và 7% đang sử dụng trong 30 ngày qua.
GS. Hoàng Văn Minh - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng, chia sẻ: “Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống”.
Nhiều chuyên gia khác trên thế giới cũng nhận định, các loại thuốc lá mới khiến Việt Nam đối mới với “đại dịch mới” và cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nếu không sẽ ngày càng lan rộng.
Bà Bungon Ritthiphakdee, người từng được Giải thưởng Luther Terry cho Lãnh đạo Xuất sắc trong Kiểm soát Thuốc lá từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ năm 2006 cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận trường hợp phổi tổn thương nghiêm trọng do sử dụng thuốc lá điện tử hoặc vaping.
Bà Bungon Ritthiphakdee nói: “Điều quan trọng cần nhớ là thuốc lá điện tử, giống như thuốc lá truyền thống, có chứa nicotine là một chất gây nghiện. Việc sử dụng chúng có thể dẫn đến phụ thuộc nicotine và các hậu quả sức khỏe lâu dài tiềm ẩn”.
Tại Việt Nam, có một thực tế đáng lo ngại hơn khi có 10,6% học sinh cho rằng thuốc lá điện tử không gây hại hoặc ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống. Trong khi đó, có 3% học sinh nghĩ thuốc lá nung nóng không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo GS. Hoàng Văn Minh, trước mối nguy hiểm từ các loại thuốc lá mới, những cơ quan và đơn vị liên quan cần đưa ra hành động ngay lập tức, kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm này. Đồng thời, việc tổ chức các chiến dịch sức khỏe cộng đồng đóng nắm vai trò then chốt nhằm đối phó vấn nạn thiếu hiểu biết tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong lứa tuổi học đường.
Phó Giáo sư Becky Freeman (Trường Y tế Công cộng, Đại học Sydney, Australia) cũng gợi ý áp dụng mô hình chỉ bán thuốc lá điện tử tại các hiệu thuốc nhằm giảm thiểu nguy cơ đối mặt với “đại dịch mới”: “Người trẻ sẽ không còn dễ dàng mua các sản phẩm ở những cửa hàng tiện lợi nữa. Mô hình này đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ”.
Theo Tiền Phong.