Theo số liệu mới nhất, dân số Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên đạt mức cao kỷ lục, trong khi đất nước này đang lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động trẻ trầm trọng.
Đài truyền hình công cộng NHK đưa tin, tổng dân số người cao tuổi của Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên được ghi nhận là 36,25 triệu người. Trong đó, số người từ 100 tuổi trở lên có 95,119 người.
Tính trung bình, tại Nhật Bản cứ 100.000 dân sẽ có 76,49 người có độ tuổi trên 100, trong đó tỉnh Shimane tiếp tục là tỉnh đứng đầu trong 12 năm liên tiếp với tỷ lệ 159,54 người, tiếp theo là tỉnh Kochi với 154,20 người, Kagoshima có 130,73 người,... Riêng Saitama là địa phương có có số lượng người từ 100 tuổi trở lên thấp nhất với 45,81 người.
Trong số những người cao tuổi ở Nhật Bản, có khoảng 15,72 triệu người giới tính nam. Tuy nhiên, số lượng nam giới lớn tuổi đang lao động đã giảm 40.000 người so với năm trước (còn 5,34 triệu người). Số lượng phụ nữ ở độ tuổi lao động tăng 50.000 người lên 3,8 triệu người.
Bộ Nội vụ và Truyền thông thông tin thêm, tỷ lệ cư dân cao tuổi đưa Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu danh sách 200 quốc gia và khu vực có dân số trên 100.000 người. Xếp sau Nhật Bản là Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Phần Lan, Đức và Croatia với tỷ lệ trên 20%. Hàn Quốc đứng ở mức 19,3% và Trung Quốc ở mức 14,7%.
Theo số liệu thống kê hồi đầu tháng 7, dân số đất nước mặt trời mọc giảm từ 122,42 triệu người vào năm 2022 xuống còn 121,56 triệu người vào năm 2023. Đây là năm thứ 15 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận mức sụt giảm và là năm có mức giảm lớn nhất kể từ khi thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 1968.
Trong thời gian tới, Nhật Bản dự kiến tiếp tục nỗ lực cải thiện biện pháp an sinh xã hội, như chăm sóc y tế và chăm sóc điều dưỡng để giúp những người cao tuổi có thể kéo dài tuổi thọ nhiều hơn trong tương lai.
Theo NDTV. Ảnh AFPUT, AA, Internet.