Trung Quốc chuẩn bị 'pháo binh hạng nặng' khi ông Trump ra tín hiệu bắt đầu cuộc chiến thương mại mới
Không chịu thua trước lời đe dọa áp thuế quan từ phía ông Donald Trump, Trung Quốc có thể chuẩn bị 'pháo binh hạng nặng' để đối đầu với cuộc chiến thương mại mới.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Donald Trump nhiều lần đe dọa áp thuế quan 60% trở lên đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung đẩy lên đỉnh điểm. Nhưng đến nhiệm kỳ thứ 2 của ông Donald Trump, Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị tốt hơn.
Nhiều cố vấn, nhà phân tích rủi ro và chuyên gia thương mại Trung Quốc nói với tờ Financial Times rằng Trung Quốc có "biện pháp đối phó mạnh mẽ" sẵn sàng nhắm vào lợi ích của Mỹ bất cứ lúc nào nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại mới chống lại Bắc Kinh. Hành động này cho thấy cấu trúc pháp lý mà Trung Quốc có trong tay để chuẩn bị cho Donald Trump 2.0 mạnh mẽ hơn nhiều so với 8 năm trước.
Giám đốc Viện Hợp tác và Hiểu biết Toàn cầu của Đại học Bắc Kinh Wang Dong nhấn mạnh: “Đây là quá trình hai chiều. Tất nhiên Trung Quốc sẽ cố gắng giao tiếp với Tổng thống Donald Trump theo bất kỳ cách nào và cố gắng đàm phán. Nhưng nếu lịch sử năm 2018 lặp lại, không có điều gì có thể thông qua bằng đàm phán và chúng tôi phải chiến đấu, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc”.
Không giống như lần trước, lựa chọn trả đũa của Trung Quốc lần này bao gồm “luật trừng phạt chống nước ngoài” thông qua vào năm 2021, cho phép áp dụng biện pháp đáp trả tương xứng đối với tác nhân và hành động mà Trung Quốc xem là có hại. Ngoài ra, danh sách thực thể không đáng tin cậy được thông qua vào cuối năm 2020 cho phép Trung Quốc loại bỏ thương hiệu lớn của Mỹ khỏi thị trường tiêu dùng khổng lồ và cực kỳ béo bở của Trung Quốc.
Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc cũng liên tục được cập nhật và mở rộng, cho phép Bắc Kinh - nhà sản xuất kim loại đất hiếm lớn nhất, hạn chế xuất khẩu nguồn tài nguyên quan trọng cho quốc gia thù địch.
Chuyên gia tư vấn về Trung Quốc tại Control Risks, Andrew Gilholm cho biết: "Tôi vẫn nói với khách hàng của mình rằng: Bạn nghĩ mình đã tính đến rủi ro địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng thực tế chưa phải vậy, vì Trung Quốc vẫn chưa trả đũa nghiêm túc”.
Cựu quan chức thương mại Mỹ giấu tên cho biết việc chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục thực hiện yếu tố trong chính sách Trung Quốc của ông Donald Trump chỉ mới sử dụng "mũi tên" trong ống tên của mình thay vì pháo hạng nặng. Nhiều quan sát viên thông tin thêm Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp thương mại toàn diện của Mỹ để tăng cường xuất khẩu - nhập khẩu đến và đi từ thị trường lớn.
Hồi tháng 3, kiến trúc sư của cuộc chiến thương mại đầu tiên với Trung Quốc Robert Lighthizer nói với tờ The Economist rằng "thí nghiệm táo bạo" của Mỹ về chính sách thương mại miễn thuế đã thất bại và cần áp dụng mức thuế xuyên ngành ít nhất là 10% để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và đẩy nhanh quá trình tái công nghiệp hóa. Chính sách đối đầu của ông Donald Trump về thương mại với bạn bè và đồng minh bắt nguồn từ quan điểm lâu nay của ông, được thể hiện ít nhất từ giữa những năm 1980. Quan điểm này cho rằng Mỹ bị đánh bại về thương mại và phải chịu sự phi công nghiệp hóa từ chính sách thương mại mất cân bằng và có hại cho những nước xuất khẩu.
Theo Sputnik.