Thế giới

Chuyên gia Nga: Lời tuyên bố chế tạo bom hạt nhân của Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ là hành động 'tống tiền' tuyệt vọng

Phát biểu Ukraine có thể phát triển bom hạt nhân trong vòng vài tháng nếu Mỹ cắt giảm khoản viện trợ quân sự dành cho Kiev dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump đang gây ra nhiều nghi ngại.

Nhà phân tích chính trị và quân sự Sergey Poletaev nói với Sputnik rằng việc Ukraine chế tạo bom hạt nhân trong vòng vài tháng nếu Mỹ cắt viện trợ quân sự là hành động "tống tiền" tuyệt vọng. Trích dẫn báo cáo về vấn đề này được công bố trên tờ The Times của Anh, ông Sergey Poletaev suy đoán động thái của Kiev không khác gì trò lừa bịp và chắc chắn đây không phải là trò đầu tiên.

Ông Sergey Poletaev trả lời phỏng vấn trên tờ Sputnik.

Thiết bị hạt nhân thô sơ có thể được phát triển bằng cách sử dụng plutonium chiết xuất từ thanh nhiên liệu đã qua sử dụng lấy từ lò phản ứng hạt nhân của Ukraine. Công nghệ này tương tự như công nghệ được sử dụng để tạo ra quả bom nổ plutonium "Fat Man" thả xuống Nagasaki năm 1945. Theo báo cáo tóm tắt do các nhà nghiên cứu chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng Ukraine, một quả bom loại này có sức mạnh bằng khoảng một phần mười quả bom Fat Man.

Ông Sergey Poletaev thông tin thêm Ukraine có thể tạo ra bom bẩn, tức là một quả bom thông thường được tiếp thêm vật liệu phóng xạ vào, không tạo ra vụ nổ hạt nhân nhưng lại gây ô nhiễm phóng xạ đối với khu vực.

Nhà phân tích Sergey Poletaev giải thích: "Fat Man là quả bom plutonium và Ukraine không có plutonium. Ukraine không sở hữu công nghệ làm giàu để sản xuất plutonium cấp độ vũ khí hoặc làm giàu uranium. Các lò phản ứng điện Ukraine không sản xuất plutonium hoặc làm giàu nó, chúng hoàn toàn là lò phản ứng làm mát bằng nước sản xuất năng lượng”.

Mỹ viện trợ Ukraine rất nhiều vũ khí trong gần 3 năm xảy ra xung đột quân sự với Nga.

Về mặt lý thuyết, có thể làm giàu uranium tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nhưng nhà máy này đã đóng cửa và tháo dỡ từ lâu và không thể khởi động lại được. Đồng thời, Ukraine hoàn toàn không có khả năng tạo ra ngành công nghiệp sản xuất plutonium cấp vũ khí hoặc công nghệ khép kín để sản xuất vũ khí hạt nhân nói chung.

Ông Sergey Poletaev lưu ý ngay cả khi Ukraine có đủ năng lực kỹ thuật, trí tuệ và tài chính để làm như vậy thì việc che giấu sự thật cũng rất khó khăn. Đồng thời, ông lấy ví dụ về quốc gia khép kín như Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ đã cố tình loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Ukraine cũng như Belarus và Kazakhstan sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ukraine khó có khả năng sản xuất được bom nguyên tử.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: "Ukraine cam kết thực hiện NPT, chúng tôi không sở hữu, phát triển hoặc có ý định mua vũ khí hạt nhân. Ukraine hợp tác chặt chẽ với IAEA và hoàn toàn minh bạch với hoạt động giám sát của IAEA, điều này loại trừ việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho mục đích quân sự".

Tuy nhiên, khi trình bày “Kế hoạch chiến thắng” tại Brussels vào tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại tuyên bố ông đã nói với Donald Trump rằng nếu Ukraine không trở thành thành viên NATO thì Kiev sẽ theo đuổi năng lực hạt nhân. Ukraine đã chuyển giao kho vũ khí gồm hơn 1.700 đầu đạn hạt nhân cho Nga vào tháng 6/1996 theo sáng kiến ​​do Nga và Mỹ đề xuất. Ukraine cũng loại bỏ hệ thống phân phối của mình vào năm 2001.

"Kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine bị nhiều bên bác bỏ.

Tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác An ninh Châu Âu vào tháng 12/1994, các nước Nga, Mỹ , Anh, Belarus, Kazakhstan và Ukraine cùng nhau ký Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh - một loạt hiệp ước cung cấp đảm bảo an ninh cho Nga, Mỹ  và Anh sau khi họ gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bản ghi nhớ cam kết ba nước này sẽ tái khẳng định nghĩa vụ không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của Ukraine cũng như không sử dụng vũ lực chống lại quốc gia này trừ trường hợp tự vệ hoặc theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.

Theo Sputnik.