Giá cà phê thị trường trong nước và thế giới diễn biến trái chiều khiến nông dân lo nhiều hơn mừng, chỉ mong mùa vụ năm nay không lỗ lớn.
Hôm nay (ngày 30/10), giá cà phê trong đã có sự khởi sắc, dao động trong khoảng 110,000 - 111,500 đồng/kg, tăng 1.500 - 2.400 đồng/kg so với phiên giao dịch gần nhất. Cụ thể, tại vựa cà phê lớn nhất cả nước Đắk Lắk, các thương lái đang thu mua với mức giá 110,500 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại Gia Lai cũng ghi nhận mức giao dịch 110,500 đồng/kg, không đổi so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá cà phê tại Lâm Đồng tăng 500 đồng/kg so với đầu giờ sáng qua, nằm ở mức 110,000 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông giao dịch ở mức 110,600 đồng/kg; Kon Tum thu mua cà phê với mức giá 109.300 đồng/kg.
Thị trường cà phê thế giới ghi nhận mức giá trái chiều. Vào đầu giờ sáng ngày 30/10 (giờ Việt Nam), sàn London niêm yết giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2024 ở mức 4,469 USD/tấn, giảm 33 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1/2025 nằm ở mức 4,376 USD/tấn, giảm 34 USD/tấn. Riêng giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 12/2024 ghi nhận mức giảm 2,10 cent/lb và chỉ đạt 250,65 cent/lb; dự kiến giao tháng 3/2025 tiếp tục giảm 2 cent/lb, đạt mức 249,70 cent/lb.
Trái ngược với sự thành công của mùa vụ 2023 - 2024, có rất nhiều nhà vườn, nhiều đại lý thậm chí nhà xuất khẩu trong nước đã kêu bán hàng ế ẩm khi bước vào mùa mới chưa đầy một tháng. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó giá cà phê trên sàn kỳ hạn rớt quá nhanh đã ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của thị trường cà phê trong nước.
Đồng thời, nhiều chuyến hàng vận chuyển cà phê Việt Nam qua châu Âu bị chặn ở biển Đỏ khiến hoạt động giao thương trở nên trì trệ, không thể giao hàng kịp thời hạn. Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU cũng khiến cho tất cả nguồn cung ứng cà phê đều bị “ém lại” hoặc mua với giá rất căng để kịp vận chuyển đến châu Âu trước khi châu lục này áp dụng EUDR. Chính những điều này đã khiến thị trường cà phê trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, người dân lo sợ lỗ lớn trong mùa vụ 2024 - 2025.
Nhiều chuyên gia còn lo ngại hoàn lưu sau bão Trà Mi gây mưa lớn có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây cà phê. Trước khi đổ bộ, bão Trà Mi cũng đã làm chậm tiến độ thu hoạch vụ mới của người dân từ Hà Tĩnh đến Bình Định và phía Bắc Tây Nguyên.
Trên thế giới, khu vực trồng cà phê Arabica lớn nhất của Brazil lại đối mặt với tình trạng thiếu nước, lượng mưa nhận trong tuần thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử. Các nhà phân tích vẫn chưa chắc chắn khi đưa ra dự báo năng suất vụ 2025/2026 do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều tác nhân bên ngoài đè nặng lên giá cà phê.