Sau khi giá vàng và giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, giá cà phê tiếp tục ghi nhận mức tăng vượt bậc, xô đổ mọi kỷ lục từng được xác lập trong lịch sử.
Sáng ngày 27/9, thị trường cà phê trong nước ghi nhận mức giá 120.800 - 122.000 đồng/kg, tăng 100 - 1.600 đồng/kg so với phiên giao dịch gần nhất. Tại vựa cà phê lớn nhất cả nước Tây Nguyên, giá cà phê tăng trung bình 600 đồng/kg.
Đắk Lắk và Đắk Nông là hai địa phương ghi nhất mức giá cà phê tăng cao nhất ở thời điểm hiện tại với mức giá bán ra là 122.000 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với ngày hôm qua. Trong khi giá cà phê tại Gia Lai chỉ tăng 100 đồng/kg so với phiên giao dịch gần nhất, nằm ở mức 120.800 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng, giá cà phê cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh, rơi vào mức 121.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg mang lại tin vui lớn cho bà con nông dân.
Theo hãng tư vấn Hedgepoint, dù mức giá tăng cao nhưng sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 tại thị trường Việt Nam có thể thấp hơn so với dự báo từng đưa ra trước đây, chỉ đạt 27 triệu bao. Thậm chí, do ảnh hưởng của sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và Brazil, thị trường cà phê toàn cầu có thể tiếp tục thâm hụt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá cà phê sẽ được hỗ trợ bởi một số yếu tố bên ngoài, giúp bà con đón nhiều thêm nhiều tin vui mới.
Tương tự thị trường trong nước, giá cà phê trên thế giới cũng ghi nhận mức giá tăng cao nhất từ trước đến nay. So với đầu giờ hôm qua, giá cà phê Robusta trên sàn London (Vương quốc Anh) đã tăng 81 USD/tấn, tương đương mức 5.527 USD/tấn. Nếu đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì, giá cà phê trong kỳ hạn giao tháng 1/2025 tiếp tục tăng 90 USD, đạt 5.242 USD/tấn.
Tại sàn giao dịch New York (Mỹ), giá cà phê Arabica trong kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng 4 cent/lb, ở mức 273 cent/lb và đến tháng 3/2025 tiếp tục tăng thêm 5 cent so với phiên giao dịch trước.
Riêng cà phê Robusta vẫn là mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 với mức sản lượng xuất khẩu đạt 15.155 tấn, thu về số tiền 76,583 triệu USD. Trong khi đó, thị trường trong nước chỉ xuất khẩu được 1.119 tấn cà phê Arabica, thu về số tiền 4,705 triệu USD. Từ đó chúng ta có thể thấy, sản lượng xuất khẩu của cà phê Robusta cao hơn cà phê Arabica 14.036 tấn.
Thời gian tới, giá cà phê trong nước và thế giới dự kiến tiếp tục biến động do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Trung Đông và tình trạng khô hạn kéo dài ở một số khu vực. Thậm chí, nguồn cung cà phê trên thế giới có thể sụt giảm nghiêm trọng nếu tình hình khô hạn tại Brazil kéo dài, không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Theo VTC News, Thanh Niên.