Hôm 7/10, cảnh sát Ấn Độ đã buộc tội người đàn ông hiếp dâm và giết hại nữ bác sĩ 31 tuổi gây chấn động toàn thế giới.
Việc phát hiện ra thi thể đầy máu của một nữ bác sĩ tại bệnh viện công ở thành phố Kolkata, miền đông Ấn Độ vào ngày 9/8 đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn thế giới về vấn đề bạo lực dai dẳng đối với phụ nữ. Theo CNA, nghi phạm Sanjoy Roy bị bắt ngay sau khi thực hiện vụ giết người, hiếp dâm và bị giam giữ kể từ đó.
Hiện tại, cảnh sát Ấn Độ đã chính thức buộc tội hiếp dâm và giết hại đối với Sanjoy Roy. Đồng thời, phía cơ quan chức năng nộp hàng loạt tài liệu bằng chứng mật lên tòa án. Trong quá khứ, hắn ta từng làm tình nguyện viên tại bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân và có khả năng phải đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội.
Một quan chức của Cục Điều tra Trung ương (CBI) nói với AFP: "Sanjoy Roy bị buộc tội hiếp dâm và giết hại nữ bác sĩ nội trú khi đang làm nhiệm vụ bên trong bệnh viện".
Trong nhiều tuần qua, bác sĩ ở Kolkata đồng loạt đình công để phản ứng lại vụ tấn công tàn bạo này. Hàng chục ngàn người dân Ấn Độ cũng tham gia vào cuộc biểu tình, thể hiện sự tức giận trước việc cơ quan chức năng thiếu biện pháp bảo vệ an toàn cho bác sĩ nữ. Đồng thời, chính quyền tiểu bang Tây Bengal không thực hiện được lời hứa nâng cấp hệ thống chiếu sáng, camera an ninh và biện pháp khác để bảo vệ họ.
Thậm chí, nhiều bệnh viện tạm thời từ chối chăm sóc những bệnh nhân không phải trường hợp cấp cứu, yêu cầu chính quyền nhanh chóng thực thi công lý cho nạn nhân và xây dựng môi trường làm việc an toàn hơn dành cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Hồi tháng 9, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra lệnh lực lượng đặc nhiệm quốc gia xem xét biện pháp tăng cường an ninh đối với nhân viên y tế, bởi mức độ tàn bạo của vụ hiếp dâm giết người này đã "làm chấn động lương tâm của cả nước". Bản chất ghê rợn của vụ án được so sánh với vụ hiếp dâm tập thể và giết hại một phụ nữ trên xe buýt ở Delhi năm 2012, gây ra nhiều tuần biểu tình trên toàn quốc.
Nhiều nhà vận động cho biết luật pháp không thể giải quyết được vấn đề bạo lực tình dục có hệ thống và ăn sâu bén rễ ở Ấn Độ. Do đó, họ đã kêu gọi cải tổ toàn diện hệ thống.
Theo CNA.