Đối tượng duy nhất có thể làm Căn cước online mà không cần đến làm trực tiếp tại cơ quan Công an
Khác với những người khác, chỉ có một đối tượng duy nhất có thể làm Căn cước tại nhà và nhận thẻ tại nhà.
Đối tượng nào có thể làm Căn cước online và nhận thẻ tại nhà?
Theo quy định của Luật Căn cước 2024, thẻ Căn cước sẽ được cấp cho công dân Việt Nam ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một đối tượng sẽ được làm Căn cước online và nhận thẻ tại nhà mà không bắt buộc phải đến cơ quan Công an trực tiếp.
Điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước số 26/2023/QH15 quy định, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước.
Cơ quan quản lý Căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Để đăng ký cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi, cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp (sau đây gọi tắt là công dân) sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để đăng nhập và thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Công dân truy cập vào đường link: http://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.
Bước 2: Công dân chọn “Đăng nhập” ở góc phải phía trên màn hình.
Bước 3: Công dân chọn Đăng nhập bằng “Tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia”.
Bước 4: Chọn đăng nhập bằng “Tài khoản Định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an dành cho công dân”.
Bước 5: Tại màn hình tiếp theo, công dân nhập thông tin số định danh và mật khẩu tài khoản VNeID hoặc quét mã QR Code bằng ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để đăng nhập.
Bước 6: Sau khi đăng nhập thành công, công dân chọn “Lĩnh vực cấp, quản lý Căn cước”.
Bước 7: Tiếp theo, chọn “Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi”.
Bước 8: Tại màn hình tiếp theo, công dân nhập số điện thoại của người kê khai (cha, mẹ, người đại diện hợp pháp), sau đó điền đầy đủ thông tin của trẻ cần cấp thẻ Căn cước theo yêu cầu (bao gồm: họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân; mối quan hệ của người kê khai với người cần cấp thẻ Căn cước).
Sau khi điền đầy đủ các thông tin công dân chọn “Kiểm tra thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư”.
- Trường hợp trùng khớp với thông tin trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống hiển thị thông báo: Thông tin công dân hợp lệ. Công dân thực hiện bước tiếp theo.
- Trường hợp thông báo thông tin không hợp lệ do không trùng khớp với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, công dân vui lòng liên hệ Công an xã/phường/thị trấn nơi thường trú để được hướng dẫn và cập nhật đầy đủ thông tin, sau đó nộp lại hồ sơ theo các bước nêu trên.
Bước 9: Công dân chọn lý do cấp: “Cấp thẻ căn cước lần đầu”. Chọn loại hồ sơ: “Người dưới 6 tuổi”.
- Trường hợp công dân chọn nơi thực hiện là phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh: Tại cấp thực hiện chọn "Cấp tỉnh", cơ quan thực hiện chọn "Công an tỉnh...".
- Trường hợp công dân chọn nơi thực hiện là đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện/thị xã/thành phố nơi thương trú/tạm trú: Tại cấp thực hiện chọn "Cấp huyện", cơ quan thực hiện phía trên chọn "Công an tỉnh Bình Định", phía dưới chọn "Công an huyện/thị xã/ thành phố" nơi thường trú/tạm trú.