3 trường hợp thẻ BHYT không còn giá trị sử dụng, người dân nên nắm bắt rõ để không bị thiệt
Không phải trường hợp nào cũng được thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi sử dụng thẻ BHYT.
Khoản 4 Điều 16 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 chỉ rõ, thẻ BHYT không có giá trị sử dụng trong các trường hợp sau:
- Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;
- Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá;
- Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
Như vậy, nếu người có thẻ BHYT sửa chữa, tẩy xóa thông tin trên thẻ hoặc không tiếp tục tham gia, không gia hạn thẻ BHYT thì thẻ này sẽ không có giá trị sử dụng. Nghĩa là, khi đi khám chữa bệnh, người bệnh sẽ không được Quỹ BHYT hỗ trợ mà phải tự mình thanh toán toàn bộ chi phí.
Trước đây, hành vi tẩy xóa, sửa chữa thẻ BHYT có thể bị phạt tiền lên đến 2 triệu đồng theo khoản 1 Điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, hành vi này không còn bị xử phạt, nhưng người bệnh cũng sẽ không được hưởng các chế độ về BHYT.
Chính vì vậy, để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo mức hưởng, người dân phải tham gia BHYT, tiến hành gia hạn thẻ nếu thẻ hết hạn sử dụng. Trường hợp lỡ sửa chữa, tẩy xóa thông tin trên thẻ, phải thực hiện thủ tục đổi thẻ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Cách kiểm tra thời hạn sử dụng thẻ BHYT
Để kiểm tra thời hạn sử dụng thẻ BHYT, bạn có thể dựa vào các thông tin sau:
Nhóm đối tượng được miễn phí: Thẻ có giá trị từ ngày cấp đến khi không còn thuộc nhóm đối tượng miễn phí. Ví dụ, trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ BHYT đến khi đủ 72 tháng tuổi.
Nhóm người lao động và sử dụng lao động đóng: Thẻ có giá trị từ ngày cấp đến khi ngừng đóng BHYT. Thực tế, nếu nghỉ việc, thẻ chỉ có giá trị đến hết tháng đó.
Nhóm đóng BHYT theo hộ gia đình và nhóm hỗ trợ đóng BHYT: Thẻ có giá trị từ ngày cấp đến ngày dừng tham gia BHYT.