Nàng công chúa Việt Nam và chuyện tình với chàng thương nhân trở thành truyền kỳ tại Nhật Bản
Đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sorato từng được nhiều người nhận xét chỉ là hôn nhân chính trị, nhưng cặp đôi đã có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau.
Trong lịch sử của nước ta, nhiều nàng công chúa có tài sắc vẹn toàn, không chỉ sở hữu nhan sắc xinh đẹp mà trí thông minh và lòng yêu nước của họ càng không thể bàn cãi. Thế nhưng không vì thế mà họ có một cuộc sống êm đẹp, chỉ có mỗi nàng công chúa Ngọc Hoa là kết thúc có hậu hơn cả.
Đầu thế kỷ 17, Nhật Bản mở cửa và cho phép thương buôn ra nước ngoài, lúc bấy giờ hình thành nhiều khu phố Nhật Bản tại các nước trong khu vực. Lúc đó một thương nhân có xuất thân là Samurai với ước mơ được đi khắp thế gian bằng thuyền - Araki Sotaro đã mang trong mình một niềm đam mê mãnh liệt và rời khỏi Nhật Bản, bắt đầu chuyến hành trình của bản thân đến Hội An, Việt Nam.
Tại đây Công nữ Ngọc Hoa đã vô tình gặp gỡ chàng thương nhân người Nhật Bản. Hai người vừa gặp nhau như trúng tiếng sét ái tình, mọi thứ giữa hai người đều tâm đầu ý hợp và chính điều đó đã thúc đẩy hai bên muốn tiến tới với nhau. Sotaro quyết tâm yết kiến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên để hỏi cưới con gái của người. Vậy Araki Sotaro là người như thế nào mà khiến cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên coi trọng và sẵn sàng kết thông gia.
Theo nhiều sử liệu thì “Trong nhiều thương nhân đến Hội An buôn bán, Araki Sotaro được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có cảm tình và giao cho nhiều trọng trách tại Hội An”. Đặc biệt “Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập cho ông một tờ thư xác nhận ông đã tự nguyện ở dưới gối-tức làm chức quan trung thành với Chúa”. Đến năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái nuôi của mình là công chúa Ngọc Hoa cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này.
Sau khi kết hôn cả hai trở về Nhật Bản định cư tại Nagasaki, sinh ra một cô con gái và cùng nhau dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui. Tại Nhật Bản, công chúa quy y ở chùa Daionji với pháp danh Diệu Tâm. Công chúa Ngọc Hoa mất năm 1645 sau hơn 26 năm sống tại đất khách, bà cùng chồng được chôn cất tại hậu viên Đại Âm Tự, Nagasaki.
Vào thời bấy giờ việc kết hôn với người nước ngoài là điều khó có thể tưởng tượng được. Mọi người cho rằng chuyện tình cảm và cuộc hôn nhân này không có gì khác ngoài một cuộc hôn nhân chính trị, thế nhưng cặp đôi đã trải qua khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau và chuyện tình của họ trở thành một truyền kỳ nổi tiếng tại Nagasaki.
Cho đến nay, câu chuyện tình này vẫn là nguồn cảm hứng cho hậu thế: Cứ bảy năm một lần, vào tháng 10, khung cảnh lễ rước kiệu đón công nữ sẽ được tái hiện trong phân cảnh thuyền Châu Ấn tại lễ hội mùa thu Nagasaki Okunchi tại tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), như một biểu tượng cho mối bang giao bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.