Ngoáy mũi không chỉ mất thẩm mỹ mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Các nghiên cứu trên tạp chí y khoa mới đây đã chỉ ra rằng ngoáy mũi là "một yếu tố rủi ro đáng kể" có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Giả thuyết cho rằng vi khuẩn sẽ được truyền từ ngón tay đến mũi, từ đó di chuyển đến não và gây viêm. Theo thời gian, tình trạng viêm này sẽ làm tổn thương các tế bào não dẫn đến các triệu chứng liên quan đến chứng mất trí. Việc ngoáy mũi cũng có thể làm tổn thương niêm mạc thành mũi, khiến vi sinh vật dễ xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng, viêm nhiễm.
Lời kêu gọi tiến hành thêm nghiên cứu đã được nêu trong một lá thư đăng trên Tạp chí Khoa học Y khoa Hoa Kỳ. Họ đã trích dẫn mười nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tiềm tàng, bao gồm một nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia (NIH ) hỗ trợ vào năm ngoái cũng cảnh báo về mối liên hệ tiềm tàng này.
Trong thư, họ viết: 'Một số tác nhân gây bệnh, bao gồm cả những tác nhân xâm nhập não thông qua biểu mô mũi... có liên quan đến bệnh Alzheimer và đã được phân lập trong quá trình phân tích sau khi tử vong. Tóm lại, những nghiên cứu này cho thấy ngoáy mũi là một yếu tố nguy cơ đáng kể và có vai trò trong sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Chúng tôi đề xuất tiến hành thêm nhiều cuộc điều tra để hiểu rõ mối liên hệ giữa việc ngoáy mũi với bệnh Alzheimer dưới hình thức nghiên cứu ca chứng với quần thể mẫu lớn hơn.'
Các tác nhân gây bệnh được cho là gây ra mảng bám amyloid bao gồm virus herpes, virus corona , vi khuẩn gây bệnh viêm phổi và nấm Candida albicans. Những chất này có thể di chuyển dọc theo dây thần kinh khứu giác, nối mũi và não, đến hành khứu giác, một vùng nhỏ ở dưới cùng của não liên quan đến khứu giác và gây ra nhiễm trùng.
Bức thư này được viết bởi các nhà khoa học tại Viện Khoa học Y tế Pakistan và Tập đoàn Y khoa Hamad tại Qatar. Nghiên cứu này tiếp nối nghiên cứu của các nhà khoa học khác, bao gồm một nhóm ở Úc, những người cũng cảnh báo về mối liên hệ giữa việc ngoáy mũi và bệnh Alzheimer.
Họ kêu gọi các biện pháp can thiệp đơn giản như rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ do ngoáy mũi - gọi đây là "bước phòng ngừa dễ dàng" đối với căn bệnh này. 'Một trong những bài học rút ra từ Covid là giá trị của việc vệ sinh tay thông qua việc rửa tay thường xuyên và sử dụng nước rửa tay khô'. ‘Chúng tôi đề xuất những quy trình vệ sinh thường quy này là những quy trình bắt buộc đối với người có tật ngoáy mũi không thể chữa khỏi.'
Bệnh Alzheimer là dạng chứng mất trí phổ biến nhất trên toàn cầu và ước tính có khoảng 6,7 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên mắc phải. Nguồn gốc chính xác của căn bệnh này vẫn đang được nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra sự tích tụ các mảng bám amyloid và các đám rối trong não của một loại protein gọi là tau.
Những giả thuyết khác cho rằng nó có thể liên quan đến tổn thương và sẹo trên các mạch máu trong não, có thể làm giảm lưu lượng máu và gây ra những cơn đột quỵ nhỏ không được phát hiện có thể gây ra bệnh.
Các cuộc khảo sát cho thấy hầu như mọi người Mỹ đều ngoáy mũi hàng ngày, trung bình mỗi ngày lấy chất nhầy khô ra khỏi khoang mũi bốn lần.