Ai là người tạo ra 9 khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, súng duy nhất được phong thần và làm lễ tế?
- Bộ sưu tập nhiều người thèm khát của Nam Phương Hoàng Hậu, 1 chiếc bát có giá lên đến hơn 20 tỷ đồng
- Vị vua Việt Nam đầu tiên đưa toán học vào thi cử : Khiến người đời tranh cãi, trị vì trong 7 năm ngắn ngủi
- Thần đồng lịch sử với khả năng ghi nhớ siêu phàm: 20 phút nhớ 1000 mốc lịch sử Việt Nam và thế giới
Cố đô Huế nổi tiếng với những bảo vật cung đình, là minh chứng cho sự tồn tại hơn 140 năm của vương triều Nguyễn. Trong số những báu vật đó, đáng chú ý nhất là 9 khẩu súng thần công đặt trước cửa Ngọ Môn. 9 khẩu súng này còn được biết đến với tên gọi "Cửu vị thần công", có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với kinh thành Huế. Đây là súng duy nhất của Việt Nam được phong tướng – phong thần và được cắt cử người túc trực bảo vệ.
Theo các tài liệu sử học, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long cho đúc 9 khẩu thần công bằng đồng, bắt đầu từ ngày 31/1/1803 (năm Gia Long thứ 2 - Quý Hợi) và hoàn thành vào cuối tháng 12/1804. Để đề cao chiến thắng trước nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã lấy toàn bộ vũ khí và những vật dụng bằng đồng còn sót lại của quân Tây Sơn làm nguyên liệu đúc súng. Những thợ làm súng đều là những người có chuyên môn cao, điêu luyện được đích thân vua Gia Long tuyển chọn. Ở họ còn hội tụ những phẩm chất mà vua cho là : Khiêm hòa, cẩn thận, hiếu thuận, cẩn tín.
Vào năm 1816 (tức năm Gia Long thứ 15), vua Gia Long ban sắc phong cho 9 khẩu thần công này là "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân". Phong vị và nội dung bài sắc phong đều được khắc trực tiếp trên thân mỗi khẩu thần công. Ngoài ra, vua còn lệnh cho lính canh luôn túc trực bảo vệ 9 khẩu thần công này cẩn thận. Hàng năm ngài đều tổ chức lễ cúng tế "cửu vị thần công" vô cùng trang trọng. Đến năm 1886, dưới thời vua Đồng Khánh thì tục cúng lễ "cửu vị thần công" bị bãi bỏ, nhưng lại có thông tin cho rằng các lính bảo vệ súng vẫn tự mình làm lễ cúng tế.
Theo những nhà nghiên cứu, cửu vị thần công được chia làm 2 nhóm : 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông được đặt tên theo bốn mùa và 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ được đặt tên theo ngũ hành. Mỗi khẩu súng có chiều dài khoảng 5,1 mét, đường kính nòng khoảng 0,23 mét, trọng lượng từ 17.100 đến 18.800 kg. Súng được đặt trên giá súng bằng gỗ lim, mỗi giá súng nặng khoảng 900kg, được đặt trên 4 bánh xe, được chạm lọng khéo léo với hình ảnh những con mãnh long uốn lượn giữa những đám mây. Trên đầu nòng và chỗ nạp ngòi súng được khắc hoa văn uốn lượn tinh xảo cùng bản văn bằng chữ triện nhắc đến lịch sử ra đời của các vị thần súng oai vệ này.
Ngoài hoa văn tinh xảo thì trên thân súng còn có khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký về việc tranh chấp với Tây Sơn cùng việc thu đồng đúc súng.
Dù được phong tướng – phong thần nhưng những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam này chưa bao giờ tham gia bất kỳ trận chiến nào. Một số tư liệu ghi rằng trong các lần giao tranh với quân Tây Sơn, nhờ sức mạnh của súng thần công mà Vua Gia Long đã giành thắng lợi trong các trận đánh lớn. Nên khi thống nhất giang san, bên cạnh việc đánh dấu cho sức mạnh và sự trường tồn vương triều của mình, Gia Long cho đúc Cửu Vị Thần Công còn nhằm mục đích sử dụng khi đất nước có binh biến.
Nói về sự linh thiêng của ‘Cửu vị thần công’, khi ở thời hoàng kim (triều đình nhà Nguyễn chưa bị Pháp đánh chiếm), 9 khẩu súng được phong tướng – phong thần rất oai linh, được giới quan võ lẫn quan văn sùng kính, ai đi qua cũng phải ngả nón cúi chào như một vị thánh hoàng.
Với quan niệm Cửu vị thần công như các vị linh thần vệ quốc, các sĩ tử, nhiều quan văn quan võ trước hội thi hoặc khi sắp vâng lệnh vua ra chiến trường thường sắm lễ vật để dâng lên các vị thần súng mang hàm tướng này những mong các thần phù hộ cho được may mắn đỗ đạt, thăng tiến nhanh trên con đường binh nghiệp, cũng như che chở cho mình thoát khỏi đường tên mũi đạn, sớm lập đại công đại thắng quân thù...
Trải qua hơn 200 năm, đến nay Cửu vị Thần Công vẫn được bảo quản trong tình trạng khá tốt. Có giai thoại kể rằng, người dân cố đô Huế mỗi khi đi qua "Cửu vị thần công" đều phải kính cẩn cúi chào. Không những thế nhân dân còn truyền nhau rằng "Cửu vị thần công" là những vị thần bảo hộ cho cuộc sống của họ, phù hộ cho sự an khang, thịnh vượng, hóa giải điềm xấu cho các gia đình.
3 kỳ tài toán học tiêu biểu sử Việt: Người được vua thán phục, người nổi tiếng với bài toán cân voi
Đây đều là những người được hậu thế ghi danh nhờ học giỏi toán và là những người đầu tiên đặt nền móng cho nền Toán học Việt Nam và để lại những công trình mà thế hệ trẻ ngày nay vô cùng ngưỡng mộ.