Bệnh bạch hầu từng reo rắc nỗi kinh hoàng trong quá khứ nay quay trở lại, có thể tử vong trong vài ngày
Trường hợp 1 bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu mới đây khiến nhiều người lo lắng. Vậy bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao, cần hiểu rõ con đường lây lan để phòng bệnh hiệu quả.
Những ngày vừa qua thông tin về 1 ca bệnh tử vong do mắc bạch cầu ở Nghệ An, 1 bệnh nhân lây do tiếp xúc với ca tử vong cùng 119 người ở Nghệ An, 15 người ở Bắc Giang tiếp xúc với bệnh nhân kể từ lúc khởi phát đến lúc tử vong đã được xét nghiệm khiến nhiều người lo lắng.
Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu ra sao?
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn này thường cư trú ở mũi và họng, lây lan qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Bệnh bạch hầu được liệt vào danh sách những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do mức độ lây lan và biến chứng nặng nề. Bệnh bạch hầu có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn. Bệnh cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Điểm đáng sợ nhất của bệnh bạch hầu là khả năng hình thành giả mạc - lớp màng dai, trắng xám bám chặt vào niêm mạc cổ họng, thanh quản, thậm chí lan đến mũi.
Loại hay gặp nhất là bạch hầu họng, mũi. Ở loại này thời kỳ nung bệnh khoảng vài 3 ngày, sau đó có sốt nhẹ, sổ mũi, viêm họng, nuốt vướng, sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (giả mạc), xám, dai, dính chặt vào niêm mạc họng rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ chảy máu. Giả mạc phát triển rất nhanh ở amiđan.
Loại thứ 2 là bạch hầu thanh quản: Người bệnh có biểu hiện nhiễm độc độc tố (da xanh tái, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp giảm). Nếu được điều trị đúng, kịp thời, bệnh sẽ khỏi, nếu không, loại này sẽ tiến triển thành loại bạch hầu thanh quản, niêm mạc thanh, khí quản bị bao phủ bởi một lớp giả mạc gây khó thở cấp, dẫn đến suy hô hấp, tử vong (thường được ví là chết đuối trên cạn), nếu không được cấp cứu mở khí quản kịp thời.
Loại thứ ba là bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp), xuất hiện ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, thứ 3, với các triệu chứng rất rầm rộ như sốt cao (39 - 400C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch góc hàm sưng to, đau làm cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, rối loạn nhịp tim, khó thở, khan tiếng, huyết áp tụt, mạch rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời có thể bệnh trở nên nguy kịch đe dọa tính mạng người bệnh (tử vong).
Bệnh bạch hầu từng là nỗi lo sợ của nhiều người trên thế giới, trong những năm 1920, Hoa Kỳ từng có tới 200.000 trường hợp mắc mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bạch hầu vào năm 1985 là 3,95/100.000 dân, đến năm 2000 là 0,14/100.000 dân.
Biến chứng bệnh bạch hầu
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu là suy tim cấp do viêm cơ tim. Biến chứng này có thể xảy ra vào thời kỳ bệnh toàn phát, thậm chí xảy ra muộn hơn sau vài tuần khi bệnh bạch hầu đã khỏi (hết sốt, hết giả mạc,...), tình trạng người bệnh sẽ rất nguy kịch.
Từ thể bạch hầu họng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể lây lan thành bạch hầu thanh quản, một thể bệnh rất nguy hiểm, bởi vì, bị giả mạc che kín đường thở gây nghẹt thở, nếu không cấp cứu mở khí quản, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp cấp.
Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng viêm dây thần kinh vận động ngoại biên; có thể gây liệt các dây thần kinh sọ; gây liệt màn hầu khẩu cái; liệt mềm các chi; liệt cơ hoành, cơ liên sườn. Liệt cơ hoành, cơ liên sườn có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp .
Cách phòng bệnh bạch hầu
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu, mọi người đều cần vắc xin bạch hầu trong suốt cuộc đời của mình. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi ở giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và tiêm nhắc lại khi trưởng thành.
Trẻ sơ sinh và trẻ em đến 6 tuổi: Ở giai đoạn này trẻ được tiêm vắc-xin DTaP như một phần trong lịch trình tiêm vắc-xin thông thường (nằm trong chương trình tiêm chủng). Trẻ nhỏ cần một liều vắc-xin tại các thời điểm: 2 tháng; 3 tháng; 4 tháng (hoặc 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng); 15 đến 18 tháng; 4 đến 6 năm.
Trường hợp trẻ đã có một phản ứng nghiêm trọng với thành phần ho gà có trong vắc-xin DTaP, có thể được chủng ngừa bằng vắc –xin DT thay thế.
Thanh thiếu niên từ 7-18 tuổi: Cần tiêm 1 mũi vắc-xin Tdap ở tuổi 11 hoặc 12 như một phần trong lịch tiêm vắc-xin thông thường.
Người lớn từ 19 tuổi trở lên: Người lớn cần tiêm 1 mũi vắc-xin Td sau mỗi 10 năm như một phần trong lịch trình tiêm chủng vắc-xin thông thường.
Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai cần tiêm 1 mũi vắc-xin Tdap trong ba tháng thứ ba của mỗi thai kỳ.