Danh tính nhà khoa học nữ trẻ được UNESCO vinh danh: Từng đạt nhiều giải thưởng KHCN quốc tế uy tín
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (1980), quê ở Đồng Tháp, xuất thân từ gia đình có truyền thống về giáo dục. Năm 1998, cô được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cô được giữ làm cán bộ giảng dạy môn Hóa vô cơ, thuộc khoa Hóa của Trường.
Năm 2006, cô Thanh Vân nhận được học bổng Tiến sĩ toàn phần của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan (chưa đến 3 năm) khi đã công bố một bằng sáng chế Mỹ, một bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới cùng 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60.
Đến tháng 9/2013, Tiến sĩ Thanh Vân trở về Việt Nam phát triển sự nghiệp. Từ 1/2014, cô đảm nhận vị trí Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại Trường Đại học Tài nguyên và môi trường TPHCM.
Năm 2016, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân đã được hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước xét công nhận Phó giáo sư, lúc đó cô mới chỉ 36 tuổi. Cô chia sẻ rằng: “Tôi nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời là những dạng năng lượng tái tạo từ những năm 2009 khi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài.
Tôi nhận thấy đây là một hướng nghiên cứu rất cần thiết và mang tính cấp bách vì nguồn năng lượng hóa thạch (NLHT) là nguồn năng lượng chính có trữ lượng hữu hạn, dần cạn kiệt và ngày càng khan hiếm theo thời gian”.
Năm 2022, cô đã xuất sắc lọt top nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới đến từ năm châu lục được Quỹ L’Oréal và UNESCO trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” với công trình nghiên cứu “Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng Hydro xanh - thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.”.
Chia sẻ về công trình nghiên cứu, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân cho hay: “Nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý bạch kim, đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với bạch kim nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa bạch kim, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này. Thành công trong nghiên cứu này sẽ góp phần mở ra con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, theo đó nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu xanh và bền vững sẽ được sử dụng trong một chu kỳ liên tục”.
Bên cạnh đó, cô từng công bố 90 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế uy tín. Năm 2019, phó giáo sư Vân được nhận giải Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019. Năm 2020, cô lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.
Nhà tình báo huyền thoại của quân đội Việt Nam, từng làm cho phía đối địch phải thán phục
Cuộc đời và sự nghiệp của ông không chỉ làm cho hàng chục triệu người con đất Việt cảm phục, ngưỡng mộ, mà còn làm cho đối phương, ngay cả những chính khách cao cấp của Mỹ và ngụy cũng phải kính nể.