Danh tính điệp viên lừng lẫy Việt Nam, được thán phục về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần
Đại tá Nguyễn Văn Minh (1933) sinh ra ở Hưng Yên, trong một gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn làm công nhân và tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Liên Việt.
Năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức cử làm nhiệm vụ lọt vào quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Sau 4 năm, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái ngụy quân, ngụy quyền chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông tìm cách vào được hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có.
Không lâu sau đó, tướng lĩnh Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có. Tuy nhiên, với vỏ bọc là một nhân viên quân sự tận tụy với công việc, được nhiều người yêu quý nên ông được tiếp tục tin dùng. Từ đó, ông trở thành một trong 4 nhân viên văn thư bảo mật của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.
Theo ghi chép lịch sử, công việc hằng ngày của điệp viên Nguyễn Văn Minh là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi, đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị trong quân đội ngụy. Đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, với các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân đoàn, quân khu. Từ đó, ông có cơ hội cho ông tiếp cận nhiều tài liệu tối mật của kẻ thù.
Suốt thời gian làm tình báo, ông chủ động nhận nhiều phần việc và cố gắng ghi nhớ toàn bộ các công văn được tiếp cận hằng ngày. Đến đêm, ông thức trắng để viết lại nội dung công văn trong ngày, chuyển ra ngoài cho tổ chức. Trong đó, các ý đồ lớn của địch như kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm, xóa các vùng giải phóng đều được ông báo cáo chính xác.
Các tin tình báo của ông giúp cơ quan chỉ đạo đánh giá đúng âm mưu ý đồ của Mỹ sau khi ký Hiệp định Pa-ri năm 1973. Tin của đồng chí luôn giúp trên khẳng định: “Đối với Mỹ không có nửa hòa, nửa chiến, Mỹ chỉ tìm cách xóa ta, nếu ta mạnh, Mỹ chịu thua, nếu ta yếu, Mỹ lấn tới”.
Vào tháng 3/1974, Nguyễn Văn Minh cung cấp kế hoạch quân sự vùng 4 (kế hoạch Lý Thường Kiệt) - kế hoạch quân sự hằng năm sau khi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết.
Đến tháng 4/1974, ông tiếp tục báo cáo bổ sung về hoạt động của các đơn vị dự bị chiến lược dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, không quân..., và tóm tắt cả kế hoạch quân sự toàn miền Nam của Mỹ - ngụy.
Những tin tức của đồng chí cung cấp đã phục vụ cho Quân ủy Trung ương giải đáp một loạt các vấn đề chiến lược quan trọng trong một thời điểm then chốt. Đầu năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Minh đã báo cáo về căn cứ một tin quan trọng có tính quyết định là Mỹ không đưa quân trở lại nếu ta đánh lớn vào giải phóng Sài Gòn.
Thông tin trên giúp Bộ Chính trị có thêm cơ sở quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trong thời gian ngắn nhất để giải phóng miền Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đặc biệt, trong ngày 30/4/1975, khi Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, chính đồng chí đã động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho quân giải phóng.
Năm 1999, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân của ông viết ngắn gọn, nhưng đã phần nào ghi lại những thành tích huyền thoại của ông: “Được sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan tình báo, đồng chí đã cung cấp nhiều tài liệu có giá trị chiến dịch, chiến lược quan trọng mà tình báo cần, với nhiều tài liệu nguyên bản đạt độ tin cậy và chính xác cao, giúp cho cơ quan chỉ đạo chiến lược của ta hiểu rõ âm mưu ý đồ của địch như: Ý đồ bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm xóa các vùng giải phóng theo kiểu lấp lỗ da báo”.
Nhà tình báo huyền thoại của quân đội Việt Nam: Từng làm cho chính khách cao cấp Mỹ phải khen ngợi
Cuộc đời và sự nghiệp của ông không chỉ làm cho hàng chục triệu người con đất Việt cảm phục, ngưỡng mộ, mà còn làm cho đối phương, ngay cả những chính khách cao cấp của Mỹ và ngụy cũng phải kính nể.