Mỹ công bố quốc gia đầu tiên có thể sẽ đạt được thỏa thuận thương mại để tránh bị áp thuế đối ứng
Mới đây, ông Scott Bessent - Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cập nhật tình hình đàm phán với các đối tác thương mại về thuế quan.
Vào ngày 23/4, trả lời phóng viên tại Washington, ông Scott Bessent - Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết Mỹ và Ấn Độ đang sắp đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán về thuế quan.

Theo ông Scott Bessent, các cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi là do: “Ấn Độ có ít rào cản thương mại phi thuế quan hơn, rõ ràng là không có thao túng tiền tệ, rất ít trợ cấp của chính phủ, nên đạt được thỏa thuận với người Ấn Độ dễ dàng hơn nhiều”.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng ông muốn chính phủ nước ngoài cắt giảm các hạn chế thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ nhằm giúp giảm thâm hụt thương mại. Và Ấn Độ là một trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ mà chính quyền ông Trump ưu tiên đàm phán nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Vào ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế mới. Trong đó, hàng hóa của Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu thuế đối ứng 26% từ ngày 9/4. Tuy nhiên, sau đó ông thông báo hoãn áp dụng chính sách thuế đối ứng này đến 8/7 để các quốc gia có thời gian để đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ. Vậy nên, hiện Ấn Độ chỉ phải chịu mức thuế cơ sở 10%.
Chia sẻ với phóng viên tại Phòng Bầu dụ, ông Scott Bessent bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Hàn Quốc. “Chúng tôi đã có một cuộc họp song phương rất thành công với Hàn Quốc ngày hôm nay. Các cuộc đàm phán diễn ra nhanh hơn tôi nghĩ”, ông Bessent cho hay.

Còn về các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay, các cuộc đàm phán với quốc gia này sẽ bao gồm nhiều yếu tố như “thuế quan, rào cản thương mại phi thuế quan, thao túng tiền tệ và trợ cấp của chính phủ cho lao động và đầu tư vốn cố định, nhưng sẽ không bao gồm các mục tiêu cụ thể cho tỷ giá hối đoái USD - yên.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), thuế dịch vụ kỹ thuật số ở các quốc gia như Pháp và Italy nhắm vào các nền tảng công nghệ của Mỹ là vấn đề mà chính quyền Tổng thống Trump muốn đưa vào các cuộc đàm phán.