Đời sống

Người từng đứng cạnh bảo vệ Bác Hồ trong ngày Quốc khánh 2/9/1945 là ai?

Người từng đứng cạnh bảo vệ Bác Hồ trong ngày Quốc khánh 2/9/1945 là ai?

Ông là một cựu tù cộng sản từng bị giặc Pháp bắt giam tù đày tại nhiều nhà tù như Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La.

Bản Tuyên ngôn Độc lập được Bác Hồ viết, bổ sung, hoàn chỉnh sau nhiều lần các thành viên Chính phủ cùng trao đổi, góp ý. Vào lúc 14h ngày 2/9/1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên lễ đài trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập vỏn vẹn 1.120 chữ trong 49 câu. Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong cuộc mít tinh chiều ngày 2/9/1945 được thế giới đánh giá là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc. Đồng thời khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà và mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta.

Trong khoảng thời gian vô cùng quan trọng của đất nước, có gần 20 chiến sĩ tham gia bảo vệ lễ đài nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Trong đó người được phân công trọng trách trực tiếp đứng cạnh bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt buổi lễ đó chính là đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ.

Theo những thước phim tư liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân, đồng chí Chu Đình Xương đã đứng cạnh che ô cho Bác Hồ trên lễ đài.

Ông Chu Đình Xương sinh năm 1913, tại xã Thái Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Vào năm 25 tuổi, người thanh niên ấy tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức "Vận động ái hữu công nhân". Từ năm 1939 đến 1940, đồng chí Xương tham gia tổ chức "Thanh niên phản đế" ở Hà Nội.

Đến tháng 12/1940, thực dân Pháp đã bắt giam đồng chí Chu Đình Xương qua các nhà tù Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La.

Tháng 3/1945, ông Xương cùng một số tù chính trị đã trốn thoát khỏi nhà tù Sơn La nhờ trận vượt ngục do tù nhân nhà tù tổ chức thành công, ông về Hà Nội và tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông được cử làm Trưởng ban Vận động tài chính Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ. Cách mạng Tháng 8 thành công, ông được Đảng cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ và sau đó là Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ.

Từ tháng 6 đến tháng 12/1946, ông làm Thanh tra Sở Công an Trung Bộ.

Từ tháng 12/1946 đến tháng 2/1950, ông là Giám đốc Công an Liên khu V, kiêm ủy viên Tòa án quân sự Liên khu V.

Từ tháng 3/1950 đến tháng 7/1954, ông là Trưởng phòng 4 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Và từ năm 1955 do nhu cầu công tác ông chuyển sang làm việc tại Bộ Văn hóa.

Đồng chí Chu Đình Xương từ trần vào năm 1985, những công lao đóng góp của ông đối với nước nhà, đặc biệt là trong khoảnh khắc trọng đại 2/9/1945 sẽ luôn được các thế hệ sau noi gương, lưu truyền mãi mãi.

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 3 trong lịch sử Việt Nam. Trước đó là Nam quốc sơn hà (năm 891) của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo (năm 1428) của Nguyễn Trãi được xem là 2 bản tuyên ngôn độc lập của nước ta.

Ảnh minh họa Internet.

Theo Vietnamnet.