Đời sống

Gia đình trí thức nức tiếng Việt Nam: Bố là tượng đài của đất nước, 4 người con sự nghiệp rực rỡ

Gia đình trí thức nức tiếng Việt Nam: Bố là tượng đài của đất nước, 4 người con sự nghiệp rực rỡ

“Tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất mà tri thức mới là quan trọng”, đây là lời răn dạy của cố GS Vũ Khiêu với con cháu trong nhà. Đó cũng chính là là kim chỉ nam hành động của bậc trí thức này trong suốt quãng đời mình.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng dành tặng cho một vị giáo sư câu đối: “Hai bàn tay trắng không vướng bụi - Một tấm lòng son ở với đời”. Sau này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đương nhiệm cũng tặng cho người này câu đối: “Triết gia trong Cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng”. Người được nhắc đến chính là Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu (tên thật Đặng Vũ Khiêu, 1916 – 2021).

giao-su-vu-khieu-4
Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu là một nhà văn hóa lớn - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông là học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên cảu Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Nhắc đến giáo sư Vũ Khiêu là nhắc đến một tượng đài trí tuệ hàng đầu của Việt Nam. Ông luôn được xem như một cây đại thụ của nền văn hóa đất nước khi còn sống. Ông đa tài, uy tín và được giới khoa học vô cùng nể phục. Giáo sư Vũ Khiêu chính là người đặt nền móng cho ngành xã hội học và ngành mỹ học Việt Nam. Sinh thời, vị giáo sư tham gia biên sọan Từ điển bách khoa Việt Nam, Bách khoa thư Hà Nội.

giao-su-vu-khieu-5
GS. Vũ Khiêu. Ảnh: Internet

Ảnh hưởng từ con người vĩ đại đó mà đại gia đình Giáo sư Vũ Khiêu mấy đời đều là trí thức nghệ thuật tiếng tăm, tiếp nối và gìn giữ nề nếp gia phong rất tốt. Ông có 4 người con, 7 cháu, 9 chắt cùng vô số con trai, con gái nuôi. Trong bài viết này, tạm chỉ bàn đến 4 người con ruột của vị giáo sư đáng kính, để thấy ông đã nuôi dạy họ tốt như thế nào.

Đầu tiên là người con cả Quỳnh Khanh (SN 1944). Bà là người con gái duy nhất của Giáo sư Vũ Khiêu, từng là cử nhân sử học, trước từng làm công tác thư viện. Bà Khanh có chồng là nhà quay phim chiến trường thời chống Mỹ, sau khi chồng mất bà một mình nuôi 2 con khôn lớn.

giao-su-vu-khieu-1
GS - AHLĐ Vũ Khiêu chụp cùng gia đình GS Cảnh Khanh và chắt nội Minh Anh. Ảnh: GS Cảnh Khanh cung cấp

Con trai thứ hai là Đặng Vũ Cảnh Khanh (SN 1947). Ông Khanh là giáo sư, tiến sĩ Xã hội học. Vợ của giáo sư Khanh là Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quý. Họ có một người con trai là Đặng Vũ Cảnh Linh (SN 1974), Tiến sĩ Xã hội học, hiện là Trưởng ban Thông tin và phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Vợ của Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh là Thạc sĩ Xã hội học - Đỗ Thị Kim Anh, hiện làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam.

giao-su-vu-khieu-2
GS Vũ Khiêu viết câu đối tặng con cháu dịp Tết 2014. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Khi nói về gia đình mình, Tiến sĩ Cảnh Linh tâm sự: “Người ảnh hưởng trực tiếp tới tôi lớn nhất là bố. Và bố thì chịu ảnh hưởng nhiều từ ông nội. Dù là con độc nhất - cháu đích tôn, từ nhỏ tôi không hề được cưng chiều. Tôi tự lập sớm, tự học làm mọi thứ lo cho bản thân, từ việc nấu ăn đến kiếm tiền. Tôi giành học bổng của Liên Hiệp Quốc năm 2000 sang Bangkok 1 năm học Thạc sĩ. Trong công việc tôi là phó Viện trưởng, phó Tổng biên tập tạp chí Truyền thống và phát triển mà bố đứng đầu, nhưng bố mẹ tôi rất tôn trọng, không bao giờ quan hệ huyết thống để áp đặt. Chúng tôi là 3 nhà khoa học. Tôi học từ ông nội lẽ sống: 1/ Đam mê làm mọi thứ. 2/ Trách nhiệm với đam mê của mình. Mê, thích cũng phải làm hết sức, không tùy hứng, dây dưa, không dạo chơi”.

giao-su-vu-khieu-3
GS, TS Đặng Cảnh Khanh bên bức thư pháp của GS Vũ Khiêu tặng con cháu dịp Tết 2014. Ảnh: MINH THÀNH

Con trai thứ của Giáo sư Vũ Khiêu là kỹ sư Đặng Vũ Hạ. Ông vốn là kỹ sư điện, nhưng có năng khiếu âm nhạc không tồi. Hiện đang sống hạnh phúc với người vợ là cô giáo dạy nhạc, có con gái là thạc sĩ Luật.

Trong khi đó, con trai út của Giáo sư Vũ Khiêu – Đặng Vũ Hoa Thạch là một họa sĩ nổi tiếng. Ông Hoa Thạch có hai cô con gái là Hoa Lam và Hoa Lê đều có khiếu vẽ từ nhỏ, từng du học hội họa ở Paris. Thời gian cuối đời, Giáo sư Vũ Khiêu ở cùng gia đình người con út này.

giao-su-vu-khieu-6
GS Vũ Khiêu cùng các con, GS, TS Đặng Cảnh Khanh; GS, TS Lê Thị Quý; cháu nội, Th.s Đặng Vũ Cảnh Linh thắp hương bàn thờ tổ tiên trong ngày 28 Tết năm 2015. Ảnh: Báo Dân Việt
giao-su-vu-khieu-7
Cuộc gặp mặt 4 thế hệ với những câu chuyện vui, chuyện đời, chuyện nghề ngày xuân năm 2015. Ảnh: Báo Dân Việt

Sinh thời, Giáo sư Vũ Khiêu luôn căn dặn con cái: “Tiền bạc không phải thứ quan trọng nhất mà tri thức mới là quan trọng”. Bản thân ông là tấm gương sáng nhất khi ngoài 90 tuổi vẫn ở nhà công vụ, đồ dùng quý giá nhất trong nhà là sách vở.