Đời sống

Gia thế khủng của Giáo sư được mệnh danh biểu tượng của nền sử học Việt Nam, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý

Gia thế khủng của Giáo sư được mệnh danh biểu tượng của nền sử học Việt Nam, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý

Ông là 'cây đại thụ', biểu tượng của nền sử học Việt Nam với hàng loạt đóng góp vô cùng giá trị và những công trình nghiên cứu đồ sộ.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại làng Thu Hoạch, nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông chính là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. 

Khi tròn 18 tuổi, ông Phan Huy Lê quyết định rời xa quê hương để đi học lớp dự bị đại học ở Thanh Hóa vào năm 1952. Với truyền thống nối bước cha ông trên con đường học tập, xây dựng bảo vệ tổ quốc, ông rất ham mê các môn khoa học tự nhiên và dự định chọn Toán - Lý cho tương lai nghề nghiệp của mình. Tại ngôi trường này ông cũng có cơ hội tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước.

Tuy nhiên, thời ấy GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh là những người đầu tiên nhận ra những phẩm chất quý giá ở Phan Huy Lê và hướng ông theo học Ban Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chân dung Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê.

Ngay từ khi còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường, ông đã được các thầy tin cậy giao làm trợ lý giảng dạy vì sự thông minh, nhanh nhạy.

Ông tốt nghiệp vào năm 1956, sau đó ông được nhận ngay vào bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại thuộc khoa Sử, dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS Đào Duy Anh, Phan Huy Lê vừa chính thức đứng lớp, vừa được giao viết bài giảng như một chuyên gia thực thụ.

Ngoài 20 tuổi, ông đã viết hàng loạt tác phẩm vô cùng có ý nghĩa trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước như: Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ; Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn; Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại; Lịch sử Việt Nam;…

Ông có những đóng góp to lớn trong nền sử học Việt Nam.

Vào năm 24 tuổi, sau 2 năm đứng lớp, ông Phan Huy Lê được giao làm Chủ nhiệm bộ môn, sẵn sàng tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.

Từ đó trở đi, ông Phan Huy Lê liên tục nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy và hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền sử học và giáo dục nước nhà.

60 năm hoạt động, cống hiến hết mình, ông cùng các giáo sư  đình đám Ðinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đã tạo dựng nên một trường phái sử học "Tổng hợp", với một huyền thoại về "Tứ trụ": Lâm - Lê - Tấn - Vượng.

Đây là một niềm tự hào to lớn của khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), và bao thế hệ học trò và những người say mê lịch sử Việt Nam.

GS Phan Huy Lê đã đào tạo hàng nghìn sinh viên.

Giáo sư Phan Huy Lê còn đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế, sau khi được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Việt Nam học và Đông Phương học. Ông đã đào tạo ra thế hệ hàng nghìn cô cậu học trò thành đạt và giữ những cương vị then chốt trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, quản lý.

Theo Báo Đại đoàn kết, GS Phan Huy Lê từng nói rằng: “Trong suốt quá trình gắn bó với Sử học, tôi luôn dành một phần trái tim và khối óc của mình cho Hà Nội”. Đó chính là sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thủ đô, trong đó có công tác đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

Những cuốn sách của giáo sư Phan Huy Lê được trưng bày.

Trước năm 2010, giáo sư Phan huy Lê đã đề xuất xây dựng ngân hàng tên để phục vụ cho công tác đặt tên đường, phố.

Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đăng ký di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; tư vấn xây dựng hồ sơ Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hồ sơ Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Ông cũng là người chủ biên công trình về nghiên cứu đồ sộ về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, dày 1.600 trang.

Giáo sư Phan Huy Lê được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú trong đợt đầu tiên đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

Ông được phong hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1973, 2012). Với những cống hiến xuất sắc cho khoa học, ông cũng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hóa Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002); Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010).

Giáo sư Phan Huy Lê cho đến những năm tháng cuối đời vẫn cống hiến hết mình vì sự nghiệp..

Ông nguyên là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (2004-2009). Ông là người đầu tiên của ngành Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011).

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê cho đến cuối đời vẫn cống hiến hết mình vì sự nghiệp, nhưng giữa lúc nhiều công việc còn dang dở thì giáo sư không may lâm trọng bệnh, ông qua đời ngày 23/6/2018, hưởng thọ 85 tuổi.

Mặc dù giáo sư đã rời xa chúng ta nhưng những đóng góp của ông qua các công trình nghiên cứu sẽ luôn còn mãi với đất nước, đặc biệt là giới sử học Việt Nam.

Ảnh minh họa Internet.

Theo Báo Đại đoàn kết.