Đời sống

Gia đình duy nhất trong lịch sử Việt Nam có 3 đời liên tiếp gồm ông, cha, cháu thi đỗ trạng nguyên

Gia đình duy nhất trong lịch sử Việt Nam có 3 đời liên tiếp gồm ông, cha, cháu thi đỗ trạng nguyên

Có thể nói đây là gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 3 đời liên tiếp xuất sắc đỗ trạng nguyên.

Ông Hồ Tông Thốc sinh năm 1324, mất năm 1404, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An ngày nay. Khoa Tân Tỵ (1341) đời vua Trần Hiến Tông, khi ấy Hồ Tông Thốc mới vừa tròn 17 tuổi đã quyết định dự thi Đình và xuất sắc đỗ trạng nguyên với bài văn nổi tiếng được người dân lưu truyền khắp cả nước. Dưới thời vua Trần Nghệ Tông, ông Hồ Tông Thốc trở thành vị quan với học vấn uyên bác, lại giỏi thơ văn, ông được vua Trần cử giao thiệp với các sứ thần nước ngoài và nhiều lần đi sứ Trung Quốc.

Con trai ông là Hồ Tông Đốn, cháu nội của ông là Hồ Tông Thành đều đỗ trạng nguyên. Gia đình này là trường hợp hiếm có ở Việt Nam có 3 đời đều đỗ trạng nguyên. Dân ca xứ Nghệ còn có câu ca: “Một nhà ba trạng nguyên ngồi/Một gương từ mẫu mấy đời soi chung”.

Gia đình ông Hồ Tông Thốc có 3 đời ông, cha, cháu đều đỗ trạng nguyên.

Ông Hồ Tông Thốc còn có tài năng làm thơ tuyệt đỉnh, trong một lần vào dịp Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), có một vị quan lớn họ Lê treo đèn, đặt tiệc, mời văn nhân đến nhà bình thơ, mặc dù Hồ Tông Thốc còn đi học vào thời điểm đó nhưng cũng đến dự. Ngay sau khi đề bài được công bố và khiến mọi người phải dành thời gian để suy nghĩ thì ông Thốc đã làm một mạch 100 bài thơ. Tất cả không bài nào giống bài nào, vô cùng vượt trội, từ đó trở đi, danh tiếng của ông Hồ Tông Thốc được những người yêu thơ văn tâm phục khẩu phục. Ông Hồ Tông Thốc sau khi đỗ trạng nguyên được vua giao làm An phủ sứ. Sách “Giai thoại Lịch sử Việt Nam” có ghi chép, Hồ Tông Thốc từng sửa thơ Vương Bột được mệnh danh là thi bá của Trung Quốc.

Vương Bột từng cầm bút hạ ngay bốn câu, trong đó có hai câu được truyền tụng là tuyệt cú: “Lạc hà dự cô vụ tề phi/Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (nghĩa là: Ráng chiều với cánh cò cô độc cùng bay/Làn nước thu với bầu trời một màu).

Sau nhiều năm Vương Bột từ trần, người dân thương nghe tiếng ngâm hai câu thơ ấy trên mộ ông. Khi biết tới câu chuyện này, Hồ Tông Thốc nói: “Có gì mà tuyệt cú! Câu nào cũng thừa một chữ: Đã dự sao còn tề, đã cộng sao còn nhất?”. Từ đó trở đi người dân trong vùng không còn ai nghe tiếng ngâm thơ trên mộ Vương Bột nữa.

Ông Hồ Tông Thốc có thể làm liên tiếp 100 bài thơ, không bài nào trùng bài nào.

Dưới triều đại Hồ, ông Hồ Tông Thốc không ra làm quan nữa, lý do được lý giải theo sách Đại Việt sử kí tiền biên của Phan Phu Tiên được ghi chép như sau: “Quý Ly cầm quyền nhà nước, ông biết thời thế không thể làm được, lấy điều an nhàn, phóng khoáng tự gửi gắm mình, không ngày nào không làm thơ, uống rượu”.

Bên cạnh đó, với sự thương mến dành cho Nguyễn Phi Khanh, thân sinh Nguyễn Trãi, một con người yêu nước lúc bấy giờ, đồng thời tán thành ít nhiều thái độ bất đồng với Hồ Quý Ly trong việc cai trị đất nước, ông Hồ Tông Thốc đã làm một bài thơ: “Tài thức như quân, thượng thiếu niên/Văn chương ta ngã lão vô duyên/Dĩ tương đắc táng di hình ngoại/Bất phục cỏng danh đáo châm biên/Biến báo chỉ kham nhàn ẩn vụ/Tiện ngư hà tất khổ lâm uyên/Hạnh năng nhật nhật tần lai phỏng/ Hưu quái Động Đình tự khánh huyện” (Tạm dịch: “Tài giỏi như ông tuổi vẫn xanh/Ôi! Văn chương thế, lão không thành/Biết nuôi lẽ phải ngoài hình vóc/Chẳng đồ công danh vững gối khăn/Da báo mù che, nhàn ẩn thế/Bên dòng khen cá, nhọc chí thân/Mong ông tui tới ngày thăm hỏi/Chớ ngại chuông treo, cảnh Động Đình”).

Đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc ở Yên Thành.

Hiện tại, có một ngôi trường được đặt theo tên ông là Trường THCS Hồ Tông Thốc tại quê ông ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; tên ông cũng được đặt cho đường phố ở TP Vinh (Nghệ An). Có thể thấy, gia đình của ông Hồ Tông Thốc là một trong những gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có cả 3 đời liên tiếp gồm ông, cha, cháu đều thi đỗ trạng nguyên. Đây cũng là tấm gương sáng về tài năng và học vấn uyên bác để thế hệ trẻ nói chung và con em của vùng đất học xứ Nghệ nói riêng noi gương.

Theo Vietnamnet. Ảnh minh họa Internet.