Đời sống

Hai huyện nào ở thành phố Hà Nội sắp lên quận trước năm 2025?

Hai huyện nào ở thành phố Hà Nội sắp lên quận trước năm 2025?

Từ nay cho tới trước năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ phấn đấu đưa hai huyện này lên quận.

Vào ngày 15/5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thì người dân không khỏi vui mừng khi có thông tin từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận.

Theo đề án chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Hà Nội, TP Hà Nội hiện đang thực hiện nhiệm vụ "Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận", xây dựng đồng thời các đề án. Còn các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, hiện thành phố đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Về cơ bản, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang phối hợp với hai huyện để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

Sau khi được thành lập, quận Đông Anh có diện tích tự nhiên 185km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có. Được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, quận Đông Anh đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc thủ đô.

Trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2028, Đông Anh sẽ thực hiện xây dựng dự án tuyến đường Vành đai 3 quan trọng, qua địa bàn huyện với chiều dài 14,9 km, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Tuyến đường này sẽ đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng.

Quận Gia Lâm sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 116,64km2, quy mô dân số hơn 300.000 người, gồm 16 phường trực thuộc bao gồm Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Dự kiến trong tương lai, Gia Lâm sẽ thực hiện các dự án tuyến đường Vành đai 3.5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3 trị giá 135 tỷ đồng, đường 179 dọc đê Phù Đổng gần 180 tỷ đồng,… Ngoài ra, nhằm giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn, hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm, các cây cầu cũng sắp được xây dựng.

Theo Thanh Niên, Đời sống và Pháp luật.