Kinh hãi trước hình ảnh nam bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, suy đa tạng
Người đàn ông này đã nhập viện cấp cứu vì bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, kết quả xét nghiệm khiến ai cũng choáng váng.
Cách đây không lâu, một nam bệnh nhân (64 tuổi) cư trú tại Giao Thuỷ, Nam Định, đã được cấp cứu kịp thời tại Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Cẳng bàn chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng sau vết thương hở do vỡ hạt Tophy tiếp xúc với nước trong khi làm ruộng.
Ths.BS. Nguyễn Thị Huyền Trang - Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức Tích cực, cho biết, chỉ sau vài giờ, tổn thương ban đầu của bệnh nhân ở vùng bàn chân quanh vết thương hở đã lan lên cẳng chân và đùi trái với triệu chứng đau buốt, phỏng nước, thâm tím vùng da tổn thương, rối loạn cảm giác. Các bác sĩ xác định đây là viêm cân mạc hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Sau các xét nghiệm và kiểm tra của bác sĩ, bệnh nhân được xác định dương tính với vi khuẩn Vibrio vulnificus - một loại vi khuẩn gram âm, được mệnh danh là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nếu không được điều trị kịp thời, loại vị khuẩn này sẽ gây ra viêm cân mạc hoại tử lan rộng và nhanh chóng gây tử vong.
Theo trang clevelandclinic, vi khuẩn Vibrio vulnificus sống trong nước ấm, hơi mặn (nước lợ), thường là nơi các vùng nước ngọt như sông gặp nước biển mặn.
Những người mắc một số bệnh lý nhất định có nhiều khả năng bị nhiễm trùng Vibrio vulnificus hơn nếu họ tiếp xúc với vi khuẩn. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: Bệnh gan, bao gồm cả xơ gan; bệnh máu nhiễm sắc tố; suy thận mãn tính; bệnh tiểu đường.
Hoặc những người có công việc tiếp xúc với động vật có vỏ sống hoặc nước biển, nước lợ có nhiều khả năng tiếp xúc với Vibrio vulnificus hơn.
Các triệu chứng của nhiễm trùng Vibrio vulnificus xuất hiện đột ngột, thường là chưa đầy 24 giờ sau khi tiếp xúc với vi khuẩn bao gồm sốt, ớn lạnh, da đỏ hoặc phát ban, các mụn nước chứa đầy dịch trên da có kích thước lớn, đổi màu hoặc gây đau, buồn nôn và ói mửa, bệnh tiêu chảy, chóng mặt, ngất xỉu, lú lẫn hoặc trạng thái tinh thần thay đổi, nhịp tim nhanh.
Có thể phòng ngừa vi khuẩn Vibrio vulnificus không?
Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus bằng cách thực hiện các biện pháp chăm sóc vết thương và thực phẩm an toàn, bao gồm:
Không ăn động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là hàu.
Bảo quản riêng động vật có vỏ đã nấu chín và chưa nấu chín để tránh nhiễm bẩn.
Rửa tay sau khi chế biến hoặc xử lý động vật có vỏ sống.
Tránh tiếp xúc với nước biển và nước lợ nếu bạn có vết thương hoặc vết rách trên da hoặc mới xỏ khuyên, xăm hình hoặc phẫu thuật.
Rửa sạch vết thương thật kỹ nếu vết thương tiếp xúc với nước biển hoặc động vật có vỏ sống hoặc dịch của chúng.
Theo Người đưa tin, Clevelandclinic.