Việt Nam có loại cây gỗ quý trong nhóm Tứ Thiết, được coi như ‘báu vật’: Giá lên đến vài chục triệu đồng/m3
Đây là một trong những loại cây lâm nghiệp quan trọng, có giá trị kinh tế cao. Chúng được coi như “báu vật” vì không cần lo đầu ra, lại vô cùng đắt đỏ.
Gỗ lim xanh Việt Nam được xếp vào nhóm Tứ Thiết quý hiếm, cùng với đinh, sến và táu. Đây là một loại gỗ đặc biệt quý hiếm ở nước ta, nổi tiếng nhờ độ bền vượt trội và giá trị kinh tế cao.
Cây lim xanh nổi tiếng với chất gỗ đanh chắc, nặng, có khả năng chống mối mọt và chịu lực tốt. Với giá trị kinh tế cao và vẻ đẹp tự nhiên, gỗ lim xanh được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng nhà cửa, làm đồ nội thất cao cấp và các sản phẩm mỹ nghệ.

Ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Cây giống Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc nhận định rằng lim xanh là một loại cây lâm nghiệp có tiềm năng đầu tư lớn, mang lại lợi ích kinh tế đồng thời góp phần vào công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc trồng loại cây này đòi hỏi sự kiên nhẫn và chấp nhận thời gian chờ đợi lâu dài. Theo đó, người ta phải chờ khoảng 25 năm trở lên cây mới có thể thu hoạch được, do đó, việc trồng lim thường được ví như một sự đầu tư kéo dài cả một đời người.
Theo ông Biên, khi trồng lim xanh không cần phải lo lắng về đầu ra. Hiện nay, nhiều đơn vị thậm chí còn bao mua đầu ra cho gỗ lim. Gỗ lim xanh Việt Nam nổi bật với chất lượng vượt trội, điều này chứng minh qua giá trị kinh tế cao của nó. Mức giá có thể dao động tùy theo từng năm và nhu cầu thị trường, thường nằm trong khoảng từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/m3. Ông Biên cho biết, từ trước đến nay, giá trị của gỗ lim xanh luôn ở mức cao.

Không chỉ nằm ở giá trị kinh tế, lim xanh Việt Nam được coi như “báu vật” bởi khả năng chống xói mòn đất, bảo vệ đất rừng. Loại cây này sở hữu hệ thống rễ phát triển mạnh mẽ, ăn sâu vào lòng đất và lan tỏa rộng, nhờ đó có khả năng cố định cấu trúc đất, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng xói mòn và sạt lở, đặc biệt là ở các khu vực địa hình đồi núi dốc. Bên cạnh đó, bộ rễ của cây còn có chức năng quan trọng trong việc hấp thụ nước và duy trì độ ẩm cần thiết cho đất, góp phần vào việc cân bằng hệ sinh thái rừng một cách tự nhiên.