Đời sống

Vị tướng duy nhất trong lịch sử Việt Nam xuất thân là phạm nhân, từng làm đại ca của đám côn đồ

Trước khi trở thành một vị tướng lưu danh sử sách, người này từng nổi tiếng vì cầm đầu đám côn đồ, được chúng nể trọng vì khỏe mạnh, tính cách tuy hung hăng nhưng đầy hào sảng.

Thời Lê Trung Hưng, Việt Nam có một vị tướng độc nhất vô nhị, tuy xuất thân thấp kém, còn từng là phạm nhân nhưng lại đánh giặc rất giỏi. Tên tuổi ông được lưu danh sử sách, người dân ngưỡng mộ lập đền thờ. Ông chính là Đinh Văn Tả. Đinh Văn Tả người làng Hàm Giang, tỉnh Hải Dương. Từ bé, ông đã có sức khỏe hơn người, tính tình hung hăng, không biết sợ. Lớn lên, Đinh Văn Tả chơi với một bọn côn đồ, nhờ bản lĩnh mà được chúng bầu làm anh cả dẫn đầu.

Một ngày nọ, khi cả bọn đang vui chơi thì bất chợt nghe thấy tiếng chiêng, trống tế lễ từ ngôi đình bên kia sông. Cả nhóm liền quyết định bơi qua sông, lén lút vào đình và trộm chiếc chiêng mang về. Trên đường quay lại, Đinh Văn Tả vì quá phấn khích đã gõ chiêng vang dội. Dân làng bên kia, phát hiện chiếc chiêng bị mất, liền đuổi theo, nhưng đáng tiếc họ đã đến quá muộn.

Cuối cùng Đinh Văn Tả cũng bị bắt giam trong ngục Đông Môn. Vào thời điểm đó, triều đình đang có nhu cầu tuyển lính. Chúa Trịnh ra lệnh cho các tướng võ đến lầu Ngũ Long để tập bắn. Khi thấy các tướng bắn đều trượt mục tiêu, Đinh Văn Tả bật cười chế giễu. Điều này khiến họ thách thức “tên phạm nhân” này thử sức. Không ngờ, ngay khi ba tiếng súng vang lên, cả ba cái bia đều vỡ tan. Mọi người xung quanh không khỏi kinh ngạc, thừa nhận tài năng xuất chúng của Đinh Văn Tả.

dinh-van-ta-1
Nơi thờ võ tướng Đinh Văn Tả. Ảnh: Báo Bình Phước

Chúa Trịnh nghe tin, ra lệnh tha cho Đinh Văn Tả và cho ông cầm quân ra trận. Trên chiến trường, Đinh Văn Tả lập được nhiều chiến công hiển hách, được phong làm Quận công. Nhưng đến lúc đó, ông lại xin trả lại chức sắc cho vua, chỉ mong được gạch tên trong sổ án. Chúa Trịnh đồng ý, còn giữ nguyên chức vụ Quận công cho Đinh Văn Tả.

Đến thời vua Lê Hy Tông, vùng đất Cao Bình rối loạn vì Mạc Kính Vũ và dư đảng. Đinh Văn Tả lại một lần nữa được giao nhiệm vụ dẫn quân đại phá nhà Mạc. Ông khiến cho Mạc Kính Vũ và dư đảng phải bỏ chạy đến Long Châu. Từ đó, tàn dư của nhà Mạc chính thức bị tiêu diệt.

dinh-van-ta-2
Di tích đình Đinh Văn Tả trong cụm di tích đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả ở phường Quang Trung (TP Hải Dương). Ảnh: Báo Hải Dương

Đến năm 80 tuổi, Đinh Văn Tả lâm bệnh nặng. Chúa Trịnh trân quý vị tướng này nên đến thăm ông, hỏi xem còn nguyện vọng gì không. Đáp lời, Đinh Văn Tả nói: “Giá thử đang lúc tôi chưa chết, mà chúa phong cho tôi làm Phúc thần, thì tôi nhắm mắt cũng không còn điều gì hối hận nữa”.

Chúa Trịnh thực sự đã sai người soạn thảo sắc phong, phong Đinh Văn Tả làm Phúc thần, trở thành thành hoàng của làng. Sau khi tạ ơn chúa, vị danh tướng lừng danh đã qua đời ở tuổi 87. Năm đó là Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa (1685). Sau khi Đinh Văn Tả qua đời, con cháu ông tiếp tục kế thừa truyền thống gia đình, trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng trong công cuộc đánh giặc. Hiện nay, ở thành phố Hải Dương vẫn còn cụm di tích đình, lăng, miếu thờ vị anh hùng này.