Đời sống

Bộ Công an công bố số lượng phạm nhân ‘chết không do bệnh lý’ trong các trại giam, lý do là gì?

Bộ Công an công bố số lượng phạm nhân ‘chết không do bệnh lý’ trong các trại giam, lý do là gì?

Vừa qua, Bộ Công an đã đưa ra những số liệu được chú ý tại Dự thảo Tờ trình dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Trong đó, con số phạm nhân ‘chết không do bệnh lý’ gây bất ngờ.

Cụ thể, báo Tiền Phong đưa tin, Bộ Công an vừa qua cho biết, trên cả nước, cơ quan chức năng hiện đang quản lý hơn 71.000 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Trong đó, có 58.000 người nhận án treo, gần 6.000 người cải tạo không giam giữ, 800 người cấm cư trú, gần 150 người quản chế, 1 người bị tước một số quyền công dân, gần 400 người bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, 1.200 người được tại ngoại, hơn 3.000 người được hoãn chấp hành án, gần 300 người tạm đình chỉ chấp hành án, gần 1.500 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Việc người chấp hành án hình sự ở cộng đồng vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội mới, lôi kéo người khác phạm tội ở nơi cư trú hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú sang địa phương khác để vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội mới, lôi kéo người khác phạm tội xảy ra với số lượng lớn.

trai-giam-1
Công tác quản lý của các trại giam vẫn thực hiện theo phương thức thủ công. Ảnh: Internet

Hơn 4 năm qua có lượng lớn người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bỏ trốn: Năm 2021 có 851 người; năm 2022 có 731 người, năm 2023 có 578 người. Cùng với đó, trung bình mỗi năm có hơn 400 người chấp hành án người hình sự ở cộng đồng phạm tội mới nhưng chính quyền địa phương, đơn vị được giao quản lý, giám sát theo dõi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Về vấn đề quản lý trại giam, quản lý thi hành án hình sự, Bộ Công an cho biết thống kê từ 1/1/2020 đến 30/5/2024, tại các trại giam xảy ra 140 vụ với 149 phạm nhân phạm tội mới, 91 vụ với 98 phạm nhân trốn, 86 vụ với 86 phạm nhân chết không do bệnh lý.

trai-giam-3
Các phạm nhân xếp hàng chờ làm thủ tục đăng ký để ra lao động. Ảnh: Vi Phong

Đưa ra lý do về bất cập này, Bộ Công an cho biết đa số các trại giam được xây dựng theo thiết kế cũ, có quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình xây dựng dân dụng thông thường; thậm chí nhiều công trình, hạng mục xây hơn 20 năm đã xuống cấp.

Không chỉ không đáp ứng được yêu cầu giam giữ, lao động, sinh hoạt, học tập, chăm sóc y tế, ăn ở, giáo dục, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề,… các trại giam còn đối mặt với tình trạng quá tải, vượt quy mô giam giữ. Dẫn chứng cho điều này, Bộ Công an cho biết có nơi giam giữ gấp 2-3 lần, thậm chí là 4 lần, dẫn đến không đảm bảo diện tích nằm tối thiểu cho phạm nhân.

trai-giam-2
Các phạm nhân trong một buổi hướng nghiệp, trại Tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, tháng 8/2022. Ảnh minh họa: congan.hanam.gov.vn

Bên cạnh đó, công tác quản lý của các trại giam vẫn theo phương thức thủ công, mang tính chủ quan, dựa vào kinh nghiệm, trực quan, kỹ năng của cán bộ. Cho đến hiện tại, nhiều trại giam chưa trang bị hệ thống kiểm soát an ninh, soi chiếu. Hệ thống giám sát hình ảnh, âm thanh tuy đã có nhưng chưa hoàn thiện, đồng đều về chất lượng… Các cán bộ trại giam vì phải làm nhiều công việc, thực hiện thủ công nhiều khâu nên chịu áp lực khá lớn.

trai-giam-4
Cán bộ trại giam làm thủ tục để cho phạm nhân ra lao động. Ảnh: Vi Phong

Đứng trước nhiều vấn đề, phía Bộ Công an cho rằng cần có quy định trong Luật Thi hành án hình sự về mô hình trại giam ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại đồng bộ, thống nhất; quy định về thiết kế, xây dựng trại giam, hạng mục công trình thuộc trại giam theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc thù (chống phá hoại, chống trốn, chống tự sát và bảo đảm an ninh, an toàn trại giam); nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo vào việc thi hành án hình sự, quản lý trại giam.