Đời sống

Vị vua trẻ nhất lịch sử Việt Nam: Là minh quân hiếm có nhưng chịu cái chết thảm vì nhân quả báo ứng?

Khi lên ngôi, vị vua này còn chưa biết nói. Nhưng đến năm 12 tuổi, ông bắt đầu cai quản đất nước và trở thành vị vua anh minh, có nhiều đường lối, chính sách lỗi lạc.

Vị vua lên ngôi sớm nhất lịch sử Việt Nam là vua Lê Nhân Tông, tên hủy là Lê Bang Cơ (1441 – 1459). Ông là con trai của vua Lê Thái Tông và bà Nguyễn Thị Anh. Ngày 4/8/1442, vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời sau vụ án Lệ Chi Viên. Bấy giờ các đại thần như Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Lê Thụ đã cùng bà Nguyễn Thị Anh đưa Lê Bang Cơ lên ngôi. Thời điểm đó, vị vua này mới chỉ 1 tuổi 6 tháng, còn chưa biết nói.

Ở độ tuổi chưa biết gì, vua Lê Nhân Tông chưa thể gánh vác giang sơn. Chuyện quốc gia đại sự trông cậy hết vào các đại thần, đích thân Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh đã buông rèm nhiếp chính thay con trai. Đến năm Lê Nhân Tông được 12 tuổi mới tiếp quản triều chính, tự mình lo chuyện chính sự, còn Hoàng Thái hậu lui về hậu cung.

vi-vua-tre-nhat-1
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Nhân Tông là vị vua lên ngôi sớm nhất, khi chỉ mới hơn 1 tuổi. Ảnh minh họa

Sử sách nước ta chép lại, vua Lê Nhân Tông là người đức độ, coi trọng Nho học, không sa vào tửu sắc và rất lắng nghe bề tôi. Đại Việt dưới thời vua Lê Nhân Tông rất phát triển, mọi mặt đều rực rỡ. Đặc biệt, nước ta khi đó còn đánh bại vua Chiêm Bí Cai và sáp nhập xứ Bồn Man vào lãnh thổ.

Không chỉ lỗi lạc, vua Lê Nhân Tông còn rất thương dân. Ông cho thi hành nhiều chính sách giảm tô, thuế, ban thưởng cho người có công, diệt thảo khấu, loạn đảng. Đến cả những khai quốc công thần từng bị xử tử trước đó cũng được vua chiếu biểu dương công lao, trả lại của cải và ruộng đất cho con cháu.

Có thể nói, vua Lê Nhân Tông là một trong những vị minh quân hiếm có của Việt Nam. Đáng tiếc, vua lại qua đời đột ngột khi còn rất trẻ. Năm 1459, Lê Nghi Dân mua chuộc cấm vệ quân, nửa đêm vào cung sát hại vua Lê Nhân Tông để đoạt vị. Hoàng Thái hậu cũng bị hại vào hôm sau. Vua Lê Nhân Tông qua đời khi chỉ mới 17 tuổi, còn bà Nguyễn Thị Anh mất năm 38 tuổi.

vi-vua-tre-nhat-2
Tạo hình vua Lê Thái Tông, tên húy Lê Nguyên Long, hoàng đế thứ hai của triều Lê. Cái chết của ông gắn liền với vụ án Lệ Chi Viên, mạch truyện chính trong tập 1 của "Thành ỳ Ý".

Bề ngoài đây là một cuộc tranh quyền đoạt vị, huynh đệ tương tàn. Tuy nhiên, nhiều người lại nhìn nhận nó là nhân quả báo ứng từ vụ án oan Lệ Chi Viên năm xưa liên quan đến đại thần Nguyễn Trãi. Năm xưa, vua Lê Thái Tông từng truất ngôi thái tử của Lê Nghi Dân vì mẹ ông là Dương phi quá kiêu căng, không giữ phép tắc. Lê Bang Cơ dù chỉ là con của bà phi Nguyễn Thị Anh đã được đưa lên làm thái tử.

Bấy giờ, có một bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông sau này) đang mang thai. Vì muốn giữ vị thế của con trai, bà Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại khiến bà Dao phải vào lãnh cung. Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ lại hết lòng giúp đỡ bà Dao, đưa về tá túc ở chùa Huy Văn và hạ sinh thành công thái tử Tư Thành (vua Lê Thánh Tông).

nguyen-trai-1
Nguyễn Trãi. Ảnh: Wikipedia

Biết chuyện, bà Nguyễn Thị Anh tức giận, xem cả nhà Nguyễn Trãi như cái gai trong mắt. Nhiều lời đồn đại Lê Bang Cơ vốn không phải con vua Lê Thái Tông và có thể Nguyễn Trãi cùng một số đại thần khác như Đinh Thắng, Đinh Phúc đã biết chuyện. Vốn sẵn không ưa, lại muốn giữ bí mật này nên bà Nguyễn Thị Anh đã mưu sát vua Lê Thái Tông trong lần ông đến Lệ Chi Viên, sau đó đổ tội cho gia đình vị đại thần. Cuối cùng, gia tộc Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc vì tội giết vua.

Về sau, vua Lê Thánh Tông khi lên ngôi đã minh oan cho gia tộc Nguyễn Trãi, cho biết cái chết của vua cha Lê Thái Tông là do đột tử.